Dự thảo Nghị định kinh doanh vận tải: Chuyên gia lo triệt tiêu cái mới thay vì khuyến khích

ANTD.VN - Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh vận tải đangb làm dấy lên lo ngại sẽ triệt tiêu đi các mô hình kinh doanh mới Trong bối cảnh Chính phủ đang khuyến khích tinh thần star-up thì dự thảo lại khiến nhiều doanh nghiệp e ngại.

Sai từ cách tiếp cận

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) TS Nguyễn Ðình Cung cho rằng, cách tiếp cận của Dự thảo Nghị định coi các công ty phần mềm, nền tảng (platform) là công ty kinh doanh vận tải là cách tiếp cận không đúng.

“Các mô hình như Uber, Grab, Go-Viet, FastGo là một hình thức, mô hình kinh doanh mới, áp dụng nền tảng khoa học công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cần phải tiếp cận như vậy thì mới khuyến khích được những mô hình kinh doanh mới, mở đường cho nhiều lĩnh vực khác”- TS Nguyễn Đình Cung bày tỏ.

Nhiều lo ngại về việc Dự thảo Nghị định 86 đang triệt tiêu các mô hình kinh doanh mới

Hơn nữa, việc ứng dụng khoa học công nghệ sẽ diễn ra trong nhiều lĩnh vực, tài chính, giao nhận thức ăn, dịch vụ… chứ không chỉ lĩnh vực giao thông vận tải.  Bởi vậy, nếu Dự thảo  được thông qua thì sẽ triệt tiêu, ngăn chặn những mô hình kinh doanh mới, trong khi đáng lẽ phải được khuyến khích.

Theo lãnh đạo CIEM, cách tiếp cận của Bộ GTVT tại Dự thảo Nghị định là một cách tiếp cận sai, triệt tiêu cái mới, mô hình mới, không khuyến khích đổi mới sáng tạo.

“Cách tiếp cận này không chỉ triệt tiêu cái mới mà còn gây thiệt hại cho người tiêu dùng, tổn hại cho cơ hội phát triển của các lĩnh vực khác bởi những dấu hiệu đầu tiên của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã bị chặn lại, bị kìm kẹp vào khung cái cũ”- TS Nguyễn Đình Cung bày tỏ.

Không chỉ vậy, những cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, những mô hình kinh doanh mới trên nền tảng sẽ bị mất, và đó là điều đáng tiếc.

TS Nguyễn Đình Cung nói: “Đừng vì lợi ích của một nhóm taxi truyền thống mà hy sinh sự phát triển của cả một nền kinh tế, và lợi ích của người tiêu dùng. Phải lắng nghe nhiều hơn tiếng nói của “người mới”.

Việc áp dụng cách quản lý cũ sẽ hạn chế sự phát triển của kinh tế chia sẻ tại Việt Nam. Nếu cứ quản lý mãi như này thì 4.0 cũng mãi chỉ là hô hào. Các biểu hiện của 4.0 mới le lói xuất hiện mà ta đã triệt tiêu thì làm sao chứng minh đang đi đúng hướng phát triển và tận dụng làm sao được các cơ hội từ 4.0. Ðây là lo ngại với cộng đồng start-up. Phải bỏ tư duy không chấp nhận cái mới đi”.

Mở tư duy, đón cái mới

Bày tỏ về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 mà Bộ GTVT vừa trình Chính phủ, Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico cho rằng, hiện chưa rõ căn cứ vào cơ sở nào mà Bộ GTVT gộp chung mô hình xe hợp đồng công nghệ với taxi truyền thống vào một hành lang pháp lý.

“Qua Dự thảo lần này cho thấy, Ban soạn thảo rất lúng túng, không biết xử lý thế nào cho hợp tình, hợp lý. Dự thảo đã qua 5-6 lần chỉnh sửa, trình Chính phủ nhưng vẫn chưa thể xong”- Luật sư Trương Thanh Đức bày tỏ.

Viện dẫn thêm, LS Trương Thanh Đức cho hay, Luật  Đầu tư và Luật Doanh nghiệp ra đời vào năm 2014, và chiểu theo những quy định về kinh doanh vận tải thì đã quá lạc hậu, thậm chí có một số điều khoản trái luật.

Tuy nhiên, cũng chia sẻ với Bộ GTVT, đơn vị chủ biên chắp bút soạn thảo Dự thảo Nghị định là Luật Giao thông đường bộ 2008 không quy định rõ mô hình kinh doanh taxi truyền thống hay xe hợp đồng ứng dụng công nghệ, mà chỉ có quy định taxi chung chung.

“Chúng ta phải chấp nhận đổi mới, cứ bám chặt vào Luật Giao thông đường bộ thì sẽ khó và gần như không chấp nhận xu thế mới, vẫn cứ đi theo lối mòn từ nhiều năm trước và như thế không cần có xe công nghệ vì bản thân không có gì khác thì vẫn quy định như cũ, không cần sửa đổi Luật làm gì.

Nếu quy định như vậy thì không có sự đổi mới. Bộ GTVT đang rơi vào cảnh làm Nghị định kiểu “đẽo cày giữa đường”, đồng nhất 4.0 với 0.4, vì Bộ GTVT có vẻ như chưa nhận diện được mô hình mới này”- Luật sư Trương Thanh Đức nhìn nhận.

Vị luật sư này cũng thừa nhận, để quản lý những mô hình mới như Grab, Uber… không phải chuyện dễ. Nhưng đây là tất yếu của cuộc sống, xã hội phát triển và thay đổi từng ngày, sẽ cần một khoảng thời gian chuyển tiếp với những bất cập nhất định.

Không chỉ Việt Nam, mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng đều lúng túng với việc quản lý Grab, Uber… song các quốc gia đều phải công nhận, đây là những mô hình khác biệt, không ghép chung với taxi truyền thống.

“Có thể luật chưa hoàn thiện thì việc quản lý còn lỏng, nhưng cũng không thể vì thế mà đẩy hết về cái cũ. Như vậy thì Bộ GTVT xóa sổ luôn Grab, Uber, quy hết thành taxi truyền thống, còn doanh nghiệp muốn dùng tổng đài hay phần mềm gì thì kệ”- LS Trương Thanh Đức nêu quan điểm.