Dư luận quốc tế về ban lãnh đạo mới của Việt Nam: Bộ máy lãnh đạo có tâm và tầm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thành công của kỳ họp cuối cùng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, đặc biệt là kết quả bầu các chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, được dư luận quốc tế quan tâm đặc biệt và đánh giá tích cực. Cùng với đó là sự tin tưởng vào tương lai phát triển của Việt Nam.
Bài viết Việt Nam kỳ vọng vào đội ngũ lãnh đạo mới trên tờ The Diplomatic Society của Nam Phi

Bài viết Việt Nam kỳ vọng vào đội ngũ lãnh đạo mới trên tờ The Diplomatic Society của Nam Phi

Cách bố trí nhân sự tối ưu và hài hòa

Có thể nói cuối tuần qua, những đánh giá tích cực về ban lãnh đạo mới được bầu của Việt Nam xuất hiện trên báo chí khắp toàn cầu. Mỗi báo một nhận xét nhưng điểm chung nổi lên là sự khẳng định đội ngũ lãnh đạo mới của Việt Nam nhận được tín nhiệm cao, có quá trình công tác và kinh nghiệm trên các cương vị lãnh đạo, quản lý Nhà nước quan trọng.

Từ góc nhìn tổng thể, Giáo sư Vladimir Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh thuộc trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg, cho rằng cách bố trí nhân sự cấp cao hiện nay ở Việt Nam là tối ưu và hài hòa, một mặt vừa cho phép hiện đại hóa hệ thống chính trị, tạo tiền đề tiếp tục đổi mới và đưa đất nước tiến lên phía trước, mặt khác vẫn giữ được sự ổn định, giữ lại được những đồng chí lãnh đạo đã có uy tín rộng rãi và giàu kinh nghiệm trong công tác điều hành Nhà nước.

Theo Giáo sư Vladimir Kolotov, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực hết sức phức tạp như hiện nay, để duy trì sự phát triển bền vững và nhanh chóng của Việt Nam trong bất cứ tình huống nào, như văn kiện Đại hội XIII đã nêu ra, đòi hỏi phải có các nhà lãnh đạo được đào tạo hết sức cơ bản và chuyên nghiệp.

Phân tích về các nhân sự cấp cao Việt Nam vừa được bầu, hãng thông tấn KPL Lào viết: “Các chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đều đã để lại nhiều dấu ấn với nhiều nỗ lực, tinh thần sáng tạo và trách nhiệm cao trên cương vị trước đây của mình”.

Còn tờ The Washington Times của Mỹ thì nhấn mạnh những thành tựu mà Việt Nam đạt được gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cùng bộ máy lãnh đạo Nhà nước. Tờ này cho rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam đã có được sự ổn định về mặt chính trị, tạo đà cho sự tăng trưởng, phát triển kinh tế cũng như tạo nên sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Đánh giá Việt Nam có một bộ máy lãnh đạo có tâm và có tầm, tờ The Washington Times cho rằng trước hết phải kể tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ, qua đó đã tạo niềm tin cho người dân Việt Nam. Với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, tờ này ghi nhận trong thời gian đảm nhiệm vị trí Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã lãnh đạo Chính phủ đưa nền kinh tế Việt Nam trở thành một trong những nước có sức tăng trưởng nhanh nhất. Ngay cả trong khi các nước trên thế giới phải vật lộn chống chọi với đại dịch Covid-19, nền kinh tế của nhiều nước rơi vào suy thoái, Việt Nam ở giữa đại dịch vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng 2,9% vào năm 2020.

Với tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, báo Junge Welt (Thế giới trẻ) của Đức đánh giá đây là người giàu kinh nghiệm hoạt động chính trị ở nhiều cấp độ khác nhau. Còn các trang báo điện tử El Universal và Voces del Periodista của Mexico thì cho rằng ông Phạm Minh Chính đã để lại nhiều dấu ấn rõ nét trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh (2011-2015) trong nỗ lực thúc đẩy cải cách hành chính ở tỉnh này. Quảng Ninh cũng là địa phương đang thu hút mạnh mẽ nguồn lực từ hợp tác công tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, như: sân bay, cảng biển, đường cao tốc. Những kết quả đó có tiền đề để lại từ thời Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV

Sẵn sàng cho các nhiệm vụ khó khăn hơn, tham vọng hơn

Với đội ngũ lãnh đạo được đánh giá là có phẩm chất cũng như năng lực công tác được thể hiện từ nhiều năm qua, dư luận thế giới cho rằng Việt Nam đã sẵn sàng cho các nhiệm vụ khó khăn hơn, tham vọng hơn mà Đại hội Đảng XIII đề ra.

Hai trang báo chuyên về đối ngoại Nam Phi là tờ The Diplomatic Society và tờ Pretoria viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là những chính trị gia có năng lực và kinh nghiệm lãnh đạo phong phú, đem đến kỳ vọng lớn cho sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng của Việt Nam trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đẩy nhanh tốc độ hồi phục kinh tế sau thành công ấn tượng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19”.

Còn trang mạng của Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế S. Rajaratnam Singapore (RSIS) thì cho rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục giám sát việc đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cuộc chiến chống tham nhũng - vốn đã thu được những thành công một cách đáng kể. Trong khi đó, tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tận dụng kinh nghiệm của mình đã có trên cương vị Thủ tướng để mở rộng và tăng cường quan hệ của Việt Nam với các nước. Còn tính cách quyết đoán của ông Phạm Minh Chính là yếu tố cần thiết giúp thực hiện mục tiêu quan trọng hàng đầu chỉ đạo và điều hành đất nước hướng tới mục tiêu kép: đẩy lùi và ngăn chặn đại dịch trong khi duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Giới chức, chuyên gia, học giả quốc tế cũng chỉ ra những thử thách mà ban lãnh đạo mới tại Việt Nam phải giải quyết để đưa “con tàu Việt Nam” tiếp tục tiến lên. Giáo sư Carl Thayer tại Đại học New South Wales (Australia) cho rằng về lâu dài, Việt Nam sẽ phải tập trung vào việc đáp ứng các nghĩa vụ của mình bằng cách thực hiện các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết. Theo chuyên gia này, Việt Nam cần ưu tiên cho CPTPP, RCEP, EVFTA, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh kinh tế Á-Âu và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh và Bắc Ireland.

Truyền thông Mỹ thì cho rằng ban lãnh đạo mới tại Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với một số thách thức, trong đó có vấn đề Biển Đông; những cải cách kinh tế theo yêu cầu của các thỏa thuận thương mại mới; nhu cầu giải quyết các nút thắt trong lĩnh vực sản xuất với cơ sở hạ tầng, trong đó có đảm bảo năng lượng; cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường.

Ông Wolfgang Bork, chuyên gia về Luật hành chính và là thành viên Hội Nhịp cầu Đức - Việt, nhấn mạnh mục tiêu mà Việt Nam cần thực hiện là phải tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, giảm tải các quy định hành chính quan liêu và đảm bảo sự an toàn pháp lý cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Thách thức có nhiều nhưng dư luận đều bày tỏ tin tưởng vào triển vọng tích cực của Việt Nam. Giáo sư Rajaram Panda, nghiên cứu viên cao cấp tại Cơ quan nghiên cứu thư viện và bảo tàng Nehru thuộc Bộ Văn hóa Ấn Độ, nhận định: “Sự kết hợp của ban lãnh đạo mới của Việt Nam, với trọng tâm là thúc đẩy cải cách, được kỳ vọng sẽ đưa Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên tăng trưởng cao hơn, thịnh vượng hơn và mang lại nhiều phúc lợi hơn cho người dân. Tăng trưởng ở Việt Nam chắc chắn sẽ có tác động lan tỏa đến phần còn lại của Đông Nam Á, giúp tăng cường hơn nữa chuỗi cung ứng…”.

Tờ Asia News Paper của Iran thì cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh cải cách thể chế theo mô hình Chính phủ kiến tạo, đẩy mạnh công nghiệp hóa, đồng thời khuyến khích trọng dụng nhân tài, qua đó sẽ trở thành quốc gia Đông Nam Á được dự báo có tốc độ phát triển thần kỳ thời gian tới.