Dự báo mới thận trọng hơn về tăng trưởng kinh tế, áp lực lạm phát hiện hữu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra dự báo mới về tăng trưởng kinh tế năm nay với mức cao nhất là 6,9%, thấp hơn so với kịch bản Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đưa ra trước đó.
Tăng trưởng kinh tế sẽ đạt cao hơn dự báo

Tăng trưởng kinh tế sẽ đạt cao hơn dự báo

Sáng nay (15-7), với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), CIEM công bố báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022: Cải cách và phát triển bền vững”.

Báo cáo đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng GDP trong năm nay. Theo đó, ở kịch bản 1, CIEM đưa ra mức tăng trưởng 6,7% và kịch bản lạc quan, GDP tăng 6,9% so với năm ngoái.

Các dự báo này được đưa ra dựa trên phân tích tình hình thế giới và Việt Nam từ đầu năm và dự báo cả năm. Mức dự báo này thấp hơn so với kịch bản Bộ KH-ĐT đưa ra trước đó là cao nhất 7%.

Đối với xuất khẩu, mức tăng trưởng có thể đạt từ 15,8% đến 16,3%; Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 1,2 tỷ USD và 2,5 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2022 dự báo lần lượt ở mức 4,0% và 3,7%.

Bà Trần Thị Hồng Minh- Viện trưởng CIEM cho rằng, cần đẩy mạnh cải cách ngay cả trong bối cảnh thực hiện phục hồi kinh tế, để giảm bớt áp lực đối với lạm phát và tạo không gian mới cho doanh nghiệp phát triển.

Đại diện CIEM cũng khẳng định một thông điệp đã “thấm thía” rất nhiều trong hơn 10 năm qua. Đó là nội dung ổn định kinh tế vĩ mô khó có thể tách rời với cải cách thể chế kinh tế.

“Chúng ta đã bàn nhiều về lạm phát trong những tháng vừa qua. Tuy nhiên, bài học trong ứng xử với lạm phát và hệ lụy của khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009 đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị: chỉ thực hiện các biện pháp điều hành tổng cầu – tức là nới lỏng hay thắt chặt tài khóa-tiền tệ - thì khó có thể phát huy bền vững đối với ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế”- bà Trần Thị Hồng Minh khẳng định.

Theo đại diện CIEM, áp lực lạm phát trong nước đã trở nên hiện hữu hơn. Bối cảnh 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023 sẽ đặt Việt Nam vào những yêu cầu cải cách và điều hành mới.

Việc duy trì “công thức” từ những năm trước đó – duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để tạo điều kiện cho cải cách thể chế kinh tế mạnh mẽ theo hướng thị trường hiện đại – cũng có ý nghĩa quan trọng.