Động thái cứng rắn của Mỹ nhằm vào các công ty, tổ chức Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Quan hệ Mỹ - Trung Quốc vốn đã xấu đi nhanh chóng trong những năm gần đây lại tiếp tục “nóng” khi Washington vừa có một loạt các động thái cứng rắn mới nhằm vào các công ty và tổ chức Trung Quốc với lý do an ninh và nhân quyền.

Thêm nhiều công ty và tổ chức Trung Quốc bị đưa vào “danh sách đen”

Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Công ty HMN International (trước đây là Huawei Marine); Hệ thống cáp biển Jiangsu Hengtong; Công ty Jiangsu Hengtong OpticElectric; Hãng công nghệ Shanghai Aoshi Control Technology và Hãng cáp biển Zhongtian Technology Submarine Cable vào “danh sách đen” hạn chế với cáo buộc đã mua lại hoặc tìm cách mua lại công nghệ của Mỹ để giúp hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.

Ngoài việc “chặn cửa” các công ty Trung Quốc gắn với quân đội, Mỹ còn trừng phạt các công ty Trung Quốc với cáo buộc tham gia giám sát người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, vi phạm nhân quyền. Bộ Thương mại và Bộ Tài chính Mỹ cũng mới thông báo bổ sung 8 công ty Trung Quốc vào “danh sách đen” vì vấn đề nhân quyền, gồm: Hãng sản xuất máy bay không người lái DJI; Công ty Công nghệ Cloudwalk; Công ty Công nghiệp thông tin Dawning; Công ty Công nghệ Leon; Công ty TNHH Công nghệ Megvii; Công ty TNHH công nghệ Netposa; Công ty Thông tin Xiamen Meiya Pico và Công ty TNHH Yitu. Theo quyết định này, các nhà đầu tư Mỹ không được phép mua hoặc bán chứng khoán giao dịch công khai của những công ty này.

Kể từ thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, số công ty Trung Quốc bị thêm vào “danh sách đen” của Mỹ ngày càng nhiều. Đa số các công ty bị trừng phạt vì có mối quan hệ với cái gọi là “chiến lược tổng hợp quân sự - dân sự” của Trung Quốc. Giới chức Mỹ cho rằng các công ty Trung Quốc thay mặt quân đội nước này đã thu thập thông tin nhạy cảm nhằm phát triển công nghệ chống tàng hình, các thiết bị radar tiên tiến và các cảm biến ứng dụng chống tàu ngầm. Ngoài ra, Mỹ cũng cho rằng Trung Quốc đang tìm cách vũ khí hóa các lĩnh vực dân sự như y học và công nghệ sinh học để hỗ trợ quân đội.

Chẳng hạn như trong “danh sách đen” có Học viện khoa học quân y Trung Quốc và 11 viện nghiên cứu liên quan. Mỹ cho rằng các đơn vị này đang hoạt động theo chiến lược quy mô lớn của Chính phủ Trung Quốc nhằm phát triển và triển khai công nghệ sinh học, bao gồm “vũ khí điều khiển bằng não”, để có thể sử dụng cho mục đích tấn công. Các đơn vị này cũng bị cáo buộc tham gia chiến dịch nhắm vào các dân tộc thiểu số tại Trung Quốc.

Giải thích quyết định cấm của mình, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết: “Việc theo đuổi khoa học trong ngành công nghệ sinh học và đổi mới y tế có thể cứu sống nhiều người. Thật không may, Trung Quốc đang lựa chọn sử dụng những công nghệ này để theo đuổi sự kiểm soát đối với người dân và đối với thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo”.

Còn theo ông Craig Singleton, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ và hiện là thành viên tổ chức tham vấn chính sách Foundation for Defense of Democracies, những phát minh của Trung Quốc như những công nghệ khoa học viễn tưởng, chẳng hạn như “vũ khí điều khiển bằng não” sẽ có thể mang lại cho Trung Quốc những tiến bộ về quân sự và tình báo so với Mỹ.

Hãng sản xuất máy bay không người lái DJI của Trung Quốc đã bị Mỹ đưa vào “danh sách đen” cấm đầu tư

Hãng sản xuất máy bay không người lái DJI của Trung Quốc đã bị Mỹ đưa vào “danh sách đen” cấm đầu tư

Phát triển phần mềm dự báo khả năng va chạm Mỹ - Trung Quốc

Một động thái nữa mới đây của Mỹ cũng gây sự chú ý của dư luận là việc chỉ huy quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương đã xây dựng một công cụ phần mềm để dự đoán phản ứng của Chính phủ Trung Quốc trước các hành động của Mỹ trong khu vực như mua bán vũ khí, hỗ trợ các hoạt động quân sự hay cho phép Nghị sĩ thăm vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).

Trên cơ sở xem xét các dữ liệu từ đầu năm 2020 và đánh giá các hoạt động quan trọng đã ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ - Trung Quốc, phần mềm máy tính này sẽ giúp Lầu Năm Góc tính toán “sự va chạm chiến lược” và dự đoán liệu các hành động nhất định của Mỹ có gây ra phản ứng thái quá từ phía Trung Quốc hay không. Diễn giải về mục đích phần mềm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks cho biết: “Trong bối cảnh phạm vi xung đột và các thách thức đang mở rộng, chúng ta cần phải xem xét một loạt các chỉ số rộng hơn, kết hợp chúng lại với nhau và sau đó tìm hiểu các mối đe dọa”.

Thực tế thì nguy cơ đụng độ giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là trên Biển Đông, là thách thức mà Lầu Năm Góc phải tính đến. Kể từ sau khi tôn tạo trái phép các thực thể trên Biển Đông, Bắc Kinh bắt đầu chuyển sang chiến thuật “vùng xám”, tăng cường năng lực hàng hải, trang bị vũ khí cho các lực lượng bán quân sự như tàu hải cảnh, tàu dân quân biển, tàu ngư chính và các tàu hải dương địa chất để quấy phá hoạt động khai tác tài nguyên của các quốc gia ven Biển Đông.

Tiếp đó, tháng 2-2021, Trung Quốc áp dụng luật hải cảnh, cho phép lực lượng hải cảnh nước này được dùng vũ lực với các hành vi họ cho là vi phạm lãnh hải Trung Quốc. Tháng 9-2021, Bắc Kinh đưa tiếp vào Luật an toàn giao thông hàng hải, buộc các tàu nước ngoài đi vào “lãnh hải Trung Quốc” sẽ phải báo cáo một loạt thông tin, trong khi diễn giải “lãnh hải Trung Quốc” mập mờ, không rõ ràng, xâm phạm vào vùng biển của nước khác.

Để đối phó, Mỹ cũng gia tăng đáng kể sự hiện diện quân sự trên Biển Đông. Theo thống kê của Tổ chức sáng kiến tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) thuộc Viện nghiên cứu đại dương Đại học Bắc Kinh, trong tháng 11 vừa rồi, các máy bay trinh sát của Mỹ đã thực hiện 94 lượt do thám tầm gần ở Biển Đông, tần suất dày đặc chưa từng thấy. Con số này tăng gần 30% so với mức kỷ lục 75 chuyến được ghi nhận hồi tháng 2.

Tần suất cũng như quy mô hoạt động của các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông cũng tăng lên. Theo thống kê, riêng trong năm nay, nhóm tàu sân bay Mỹ đi vào khu vực này là 9 lần. Mới tháng 10 vừa rồi, tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ và tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh đã tiến hành nhiều cuộc tập trận trên Biển Đông. Ngoài Carl Vinson, ba nhóm tác chiến tàu sân bay khác là USS Theodore Roosevelt, USS Nimitz và USS Ronald Reagan cùng hai tàu sân bay trực thăng USS Makin Island và USS Essex cũng thường xuyên xuất hiện trong vùng biển này.

Cũng như trong lĩnh vực thương mại và nhân quyền, Mỹ cũng áp dụng biện pháp trừng phạt với các cá nhân và công ty có liên quan tới những hành động xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa trên Biển Đông. Năm ngoái, 24 công ty và một số cá nhân của Trung Quốc đã bị Bộ Thương mại Mỹ trừng phạt như vậy. Cùng với Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng áp các quy định hạn chế visa với một số cá nhân người Trung Quốc “chịu trách nhiệm hoặc thông đồng” trong những hành động xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa ở Biển Đông.