Đông Nam Á đối mặt với làn sóng khủng bố mới

ANTD.VN - Năm 2017, khi cuộc chiến chống khủng bố tiếp diễn, các nước Đông Nam Á sẽ phải đối đầu với lượng chiến binh Hồi giáo trở về sau khi gia nhập Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng từ Iraq và Syria.

Các chuyên gia ước tính rằng, hàng trăm chiến binh đã trở về Indonesia, Malaysia và Philippines, trong đó chỉ một số ít được xác định danh tính. Trong khi đó, số đối tượng trở về từ hai vùng lãnh thổ do IS kiểm soát là Mosul và Raqqa dự kiến sẽ tăng thêm, cao hơn so với các phần tử thánh chiến trở về từ cuộc chiến Afghanistan thời điểm những năm 1980 và sau đó thành lập ra nhóm khủng bố Jemaah Islamiyah khét tiếng.

Đông Nam Á đối mặt với làn sóng khủng bố mới ảnh 1Densus 88 - đơn vị chống khủng bố của Indonesia tại một cuộc truy quét ở Solo, Java

Chiến binh IS hồi hương

Ông Jasminder Singh, chuyên gia phân tích của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về bạo lực chính trị và khủng bố tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) thuộc ĐH Nan Yang, Singapore cho biết: “Trong tháng 9-2016, chúng tôi được biết 500 phần tử trở về Indonesia, trong đó chỉ xác định được 40 người. Vì vậy, đó sẽ là vấn đề rắc rối. Với hai cuộc biểu tình gần đây tại Jakarta, truyền thông xã hội truyền tin rằng những đối tượng trở về đã tham gia vào các cuộc biểu tình này”.

Trong khi đó, nhà chức trách Malaysia cho biết, hơn 100 người Malaysia đã tham gia đội quân IS ở Syria kể từ năm 2013. Khoảng 20 người đã chết. Ít nhất 50 người khác muốn trở về nhà nhưng không thể vì hộ chiếu của họ đã bị thu hồi hoặc bị hủy.

Đảo Mindanao ở miền Nam Philippines được cho là địa điểm các chiến binh này có thể tụ lại. Tại đây, IS đã chỉ định Emir - Hasilon Apilon, thủ lĩnh của nhóm Abu Sayyaf cam kết trung thành với IS làm người đứng đầu nhánh IS ở Philippines.

“Chúng đừng quên AlQaeda Jabhat Al-Nusrah hay Ajjnat Arsham là những nhóm đầu tiên các chiến binh Hồi giáo khu vực Đông Nam Á tham gia. Liệu các nhóm này có tiếp tay tuyển mộ thêm thành viên chiến đấu cho IS?”, chuyên gia Jasminder Singh nói. 

Cùng với đó phải kể đến Khatibah Nusantara, phe cánh của IS ở Syria and Iraq tập hợp các chiến binh Đông Nam Á, trong đó đứng đầu là Bahrum Naim người Indonesia và Wanddy người Malaysia. Chúng từng đứng sau các vụ tấn công ở chính quê hương mình.

“Mối đe dọa khủng bố đã lên mức cao nhất trong thời gian gần đây, nhiều hơn rất nhiều so với thời điểm sau vụ 11-9. Đó không còn là câu hỏi tấn công khủng bố liệu có xảy ra hay không mà là khi nào sẽ xảy ra”.

Bộ trưởng Nội vụ Singapore K. Shanmugam

Mối đe dọa khủng bố

Cuộc tấn công tại ngã tư đông đúc Jakarta hồi tháng 1-2016 khiến 4 dân thường và 4 kẻ tấn công thiệt mạng là vụ việc đầu tiên có bàn tay IS ở Đông Nam Á. Cảnh sát Indonesia cho rằng Bahrum Naim lên kế hoạch cho vụ tấn công. Kẻ này cũng bị cáo buộc kích động một số kẻ khủng bố kiểu con sói đơn độc nhân danh IS nhắm vào những mục tiêu ngẫu nhiên trên toàn quốc. Tuy nhiên, cảnh sát Indonesia cho biết, chủ mưu chính là giáo sĩ cực đoan Aman Abdurrahman, người đang thụ án tù tại Indonesia. Aman đã cam kết trung thành với IS.

 Tại Malaysia, Mohd Wanndy Jedi (27 tuổi) đã phát động một cuộc tấn công từ Syria hồi tháng 6-2016, khi một quả lựu đạn phát nổ tại hộp đêm Movida ở ngoại ô Kuala Lumpur, làm bị thương 8 người. Cảnh sát Malaysia cho hay, Wanndy đến Syria năm 2013 và trong nhiều năm, hắn đã tạo ra được nhiều chân rết ở Malaysia được gọi là Gagak Hitam, nghĩa là “con quạ đen”.

Các chân rết này chủ yếu là những kẻ ủng hộ IS giúp Wanndy tuyển mộ, gây quỹ và lên kế hoạch tấn công trên toàn quốc. Các quan chức cho biết kể từ năm 2013, họ đã bắt giữ 260 nghi phạm khủng bố và triệt phá ít nhất 10 âm mưu tấn công.

Trước thực trạng này, ông Ayob Khan, Cảnh sát đặc nhiệm chống khủng bố Malaysia cho rằng: “Bọn chúng có lý tưởng và cam kết mạnh mẽ. Trước kia thiếu chuyên môn nhưng giờ bọn chúng có chuyên gia, rắc rối sẽ lớn hơn. Giờ không còn là vấn đề tôn giáo nữa. Nếu không theo, chúng sẽ giết bạn”. 

Biện pháp ngăn chặn

Malaysia đã thông qua Luật An ninh mới để đối phó với tình hình chống khủng bố mới. Nước này cũng đang tăng cường chia sẻ thông tin tình báo với các nước trong khu vực như Philippines để giải quyết các vụ bắt cóc đòi tiền chuộc của nhóm Abu Sayyaf đã cam kết trung thành với IS.

Phía Indonesia cũng đang nỗ lực siết chặt luật pháp và trao thêm quyền cho các cơ quan an ninh trong hành động chống lại những kẻ bị cáo buộc khủng bố. Quốc hội Indonesia cũng đang trong quá trình xem xét thông qua dự luật chống khủng bố sửa đổi.

Trong khi đó, Densus 88 - đơn vị chống khủng bố của Indonesia đã phát động những chiến dịch lớn trên cả nước. Đơn vị này đã triệt phá thành công một số âm mưu khủng bố dự định thực hiện vào lễ hội cuối năm 2016, với việc tiêu diệt ít nhất 5 tay súng và bắt giữ hàng chục đối tượng khác cùng với nguyên liệu chế tạo bom.

Hiện tượng các chiến binh IS trở về quê hương sẽ đặt ra một thách thức cho các Chính phủ Đông Nam Á. Trong lĩnh vực chống khủng bố, các quốc gia cần có sự giám sát mạnh mẽ và luật pháp chặt chẽ. Quan trọng hơn, cần những chính sách thực sự để xử lý và đối phó với những vấn đề nổi lên trong khu vực.