Đồng bạc xanh sau những diễn biến bất thường

ANTD.VN - Thị trường ngoại hối vừa trải qua một đợt “sóng”, tỷ giá USD/VND có biểu hiện căng. Cụ thể, giá USD chiều 24-11 tăng vọt tới 200 đồng so với phiên ngày hôm trước, một số ngân hàng công bố giá USD ở mức chạm trần. Mức giá trên thị trường tự do, cũng được đẩy lên sát 23.000 đồng/USD. Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra thông điệp: “Sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp”, thị trường đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, áp lực tỷ giá cuối năm là tương đối lớn.

Chạm trần

Cuối tháng 11, thị trường ngoại hối trong nước chứng kiến đà tăng mạnh mẽ của đồng bạc xanh. Tính đến chiều 24-11, tỷ giá đã chính thức chạm trần. Tỷ giá trung tâm được NHNN tăng 13 đồng, lên 22.131 VND/USD. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá sàn mà các ngân hàng được áp dụng là 21.467 đồng và tỷ giá trần là 22.794,9 đồng/USD (làm tròn là 22.795 đồng/USD).

Trên thị trường ngân hàng, giá USD niêm yết tiếp tục tăng mạnh so với ngày hôm trước. USD bán ra tại nhiều ngân hàng như Techcombank, Eximbank, ACB... đã đến mức 22.795 đồng/USD. Tại một số ngân hàng khác như Vietcombank, Vietinbank, BIDV... đồng USD bán ra thấp hơn 5 đồng (22.790 đồng/USD).

So với mức giá chiều hôm trước, chỉ tính riêng giá USD ngày 24-11 đã tăng gần 200 đồng/USD. Trên thị trường tự do, USD còn tăng mạnh hơn, chạm mức 22.950 đồng/USD, mức kỷ lục trong vòng hơn 10 năm trở lại đây. Còn so với đầu tháng 11-2016, USD đã tăng giá 400-450 đồng/USD.

Đến ngày 25-11, giá USD tự do tại Hà Nội được giao dịch ở mức 22.910 đồng (mua vào) và 22.950 đồng (bán ra), tăng 110 đồng và 90 đồng so với cùng thời điểm phiên liền trước. Thống kê cho thấy, giá USD bán ra trên thị trường tự do đã tăng khoảng 620 đồng từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Theo ông Phạm Thanh Hà, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, hiện nguồn cung ngoại tệ khá dồi dào trong khi cầu vẫn diễn ra bình thường và thị trường luôn ở trạng thái dư thừa ngoại tệ. USD tăng là do giá thế giới, còn trong nước, cung - cầu vẫn đang trong thế cân bằng. Đại diện Vietcombank đánh giá, thị trường chưa có hiện tượng găm giữ, đầu cơ và chưa cần thiết phải có sự can thiệp của NHNN mà cần theo dõi thêm.

Sau những diễn biến bất thường của thị trường, NHNN đã đưa ra thông điệp trấn an. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, nhà điều hành đang bám sát thị trường và diễn biến của tỷ giá USD/VND, chủ động thực hiện các biện pháp và công cụ điều hành phù hợp để ổn định, kể cả sẵn sàng bán ngoại tệ.

Đại diện NHNN cho rằng, diễn biến về tỷ giá trên thị trường trong nước trong thời gian vừa qua là dễ hiểu, vì từ đầu năm 2016 NHNN đã chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá mới linh hoạt hơn, tức là cho phép tỷ giá biến động hàng ngày phù hợp với những diễn biến trên thị trường trong nước và quốc tế.

“Trên thế giới, đồng USD cũng như các đồng tiền khác biến động khá lớn. Tuy nhiên, qua theo dõi thị trường ngoại hối, NHNN thấy rằng, về cơ bản cung cầu ngoại tệ không có yếu tố đột biến, thanh khoản tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân được các tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời và đầy đủ”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết. 

Cũng theo bà Nguyễn Thị Hồng, tỷ giá tăng nhanh trong một thời gian ngắn chủ yếu là do yếu tố tâm lý. Đáng chú ý, diễn biến tỷ giá có thể đảo chiều trong thời gian tới. “Theo đánh giá của NHNN, từ nay đến cuối năm, cung ngoại tệ tiếp tục được hỗ trợ bởi nguồn thu từ xuất khẩu, kiều hối chuyển vào dịp cuối năm, giải ngân dòng vốn đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp... Trong khi đó, cầu ngoại tệ không có áp lực lớn, đặc biệt nhu cầu ngoại tệ mua trước hạn thường xảy ra khi biến động tăng về tỷ giá không cao. Điểm nữa là NHNN cho phép các tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay ngoại tệ theo Thông tư 24 đến hết năm 2017 góp phần giảm cầu mua ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài, theo đó tiếp tục hỗ trợ cho thị trường” - Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phân tích - “NHNN sẽ theo dõi rất sát diễn biến của kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để chủ động thực hiện các biện pháp và công cụ điều hành phù hợp để ổn định thị trường, kể cả việc NHNN sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp thị trường”. 

Áp lực

Sau thông điệp từ phía NHNN, thị trường ngoại hối đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngay trong ngày 25-11, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm giá mua - bán USD. Mức giảm phổ biến được áp dụng từ 5 đến 84 đồng. Cụ thể, Vietinbank điều chỉnh giảm 10 đồng xuống mức 22.680 - 22.780 đồng/USD (mua vào - bán ra).

Vietcombank giảm 84 đồng giá mua vào và 24 đồng ở giá bán ra, tương ứng mức giá 22.670 - 22.770 đồng/USD. Tương tự, BIDV giảm 50 đồng ở chiều mua vào xuống mức 22.680 đồng/USD và giảm 14 đồng ở giá bán ra xuống mức 22.780 đồng/USD. Đến ngày 28-11, giá bán USD tại các ngân hàng đã giảm 40 - 50 đồng/USD so với mức đỉnh.

Vietcombank niêm yết giá bán USD còn 22.760 đồng/USD, giảm 20 đồng/USD so với cuối tuần trước đó. Tương tự, ACB cũng giảm giá bán xuống mức 22.760 đồng/USD, Eximbank giảm sâu hơn, bán ra còn 22.750 đồng/USD…

Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Nguồn vốn và Ngoại hối của Ngân hàng VIB đánh giá: “Cầu ngoại tệ mấy tuần qua có tăng nhẹ, nhưng chủ yếu là do nhu cầu thanh toán cuối năm. Các giao dịch USD chủ yếu theo nhu cầu thực, không có yếu tố đầu cơ như những năm trước. Tại VIB, chúng tôi không thấy dòng tiền đổ xô vào mua ngoại tệ và các doanh nghiệp vẫn bán ngoại tệ bình thường cho ngân hàng”.

Theo các chuyên gia, tỷ giá tăng thời gian qua chủ yếu do tác động của giá thế giới, chứ không phải do căng thẳng cung cầu và cũng không có yếu tố đầu cơ. Nhìn nhận lại diễn biến giá USD từ đầu năm có thể thấy, mặc dù tăng khá mạnh trong giai đoạn nửa cuối tháng 11 song do tỷ giá ổn định từ đầu năm đến nửa đầu tháng 11-2016, nên tính chung tỷ giá mới chỉ tăng khoảng 1%. Đây cũng là mức tăng bình thường, thậm chí là thấp trong vài năm trở lại đây. 

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng dù áp lực tăng tỷ giá cuối năm 2016 khá lớn nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của NHNN. Theo chuyên gia này, dù cung - cầu ngoại tệ ổn định hơn nhưng vẫn còn nhiều yếu tố tác động tới việc tăng tỷ giá cuối năm. Thứ nhất, áp lực về tăng lạm phát cuối năm 2016 khi dự kiến cả năm lạm phát 5%.

Thứ hai, áp lực về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất vào giữa tháng 12-2016 sẽ khiến đồng USD tăng giá tạo áp lực tăng tỷ giá USD/VND và tỷ giá USD/CNY cũng như áp lực đối với 8 loại ngoại tệ Việt Nam đang đối chiếu trong rổ tiền tệ để tính tỷ giá.

Thứ ba, áp lực khi kinh tế Mỹ cải thiện tốt lên trong ba quý đầu năm 2016, cùng với chính sách kinh tế của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ rất tích cực cho triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ, có thể là chính sách nới lỏng tài khóa, chính sách bảo hộ thương mại, bảo hộ doanh nghiệp Mỹ nhiều hơn… tạo cơ chế tốt cho USD và tạo áp lực cho các đồng tiền khác.

TS Cấn Văn Lực nhìn nhận: “Tôi cho rằng không nên quá lo lắng về tỷ giá vì hiện NHNN đã có dự trữ ngoại hối trên 40 tỷ USD. Tuy nhiên, trong xu thế chung của các đồng tiền khác và dự báo từ đầu năm thì năm 2016 VND sẽ mất giá từ 1-2%”.