Đòn giáng nặng vào Facebook khi xâm phạm quyền riêng tư người dùng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc “công ty mẹ” của “gã khổng lồ” mạng xã hội Facebook phải chấp nhận bồi thường tới 90 triệu USD để kết thúc vụ kiện xâm phạm quyền riêng tư của người dùng chẳng khác nào nhận thêm một đòn nặng giáng vào uy tín của tập đoàn công nghệ vốn ngày càng thêm tai tiếng khắp toàn cầu này.

Án phạt chồng án phạt lên Facebook

Trong một thỏa thuận được đệ trình lên tòa án ở bang California của Mỹ trong ngày 14-2, Tập đoàn Meta, công ty mẹ của mạng xã hội Facebook có nhiều người dùng bậc nhất toàn cầu, đã nhất trí chi trả 90 triệu USD nhằm giải quyết vụ kiện tập thể kéo dài 10 năm qua về các cáo buộc rằng trang mạng xã hội này đã theo dõi hoạt động trực tuyến của người dùng, ngay cả khi họ đã chủ động đăng xuất khỏi nền tảng này. Nếu được thẩm phán chấp thuận, thỏa thuận trên sẽ khép lại một trong số hàng loạt những vụ kiện mà công ty công nghệ này bị cáo buộc xâm phạm quyền riêng tư của người dùng.

Meta phải bồi thường 90 triệu USD do đã xâm phạm quyền riêng tư người dùng mạng xã hội Facebook

Meta phải bồi thường 90 triệu USD do đã xâm phạm quyền riêng tư người dùng mạng xã hội Facebook

Đơn kiện tập thể được nộp lên tòa án từ năm 2012 là tổng hợp 21 vụ kiện riêng biệt trên khắp nước Mỹ giai đoạn 2011-2012, theo đó tố mạng xã hội của tỷ phú Mark Zuckerberg đã sử dụng cookie và một chương trình mở rộng (plug-in) trên trình duyệt để thu thập thông tin về việc truy cập của người dùng đến các trang web khác. Việc theo dõi ban đầu vốn hợp pháp do được người dùng đồng ý do Facebook khẳng định ngừng theo dõi khi người dùng thoát tài khoản mạng xã hội. Tuy nhiên, Facebook đã vi phạm điều khoản này khi các dữ liệu duyệt website của người dùng được phát hiện vẫn gửi về công ty thông qua plug-in, ngay cả khi người dùng đã đăng xuất khỏi Facebook.

Công ty Luật DiCello Levitt Gutzler, đại diện cho bên nguyên đơn, cho biết số tiền 90 triệu USD tương đương 100% khoản lợi nhuận bất chính mà Facebook có thể thu được từ lượng dữ liệu nói trên. Vụ kiện kéo dài suốt 10 năm qua do hai bên liên tục kháng cáo nhau, trong đó Facebook đã 3 lần được tòa tuyên thắng kiện trong các phiên xét xử trước.

Thế nhưng, đến năm 2020, Tòa án phúc thẩm Mỹ bác bỏ các lý lẽ của Facebook và cho rằng việc sao chép bất hợp pháp và kiếm tiền từ dữ liệu cá nhân sẽ tạo ra những thiệt hại về kinh tế. Facebook tiếp tục nộp đơn kháng cáo lên Tòa án tối cao nhưng bị từ chối xem xét nên cuối cùng chấp nhận mức bồi thường 90 triệu USD mà bên nguyên đơn đưa ra.

Cũng với thỏa thuận bồi thường trên, Tập đoàn công nghệ Meta (vốn là Facebook được đổi tên thành Meta Platforms từ tháng 10-2021) chiếm hai vị trí trong top 10 vụ bồi thường lớn nhất lịch sử nước Mỹ về bảo mật dữ liệu. Hồi tháng 3-2021, hãng Meta - lúc đó có tên là Facebook - cũng đã phải trả 650 triệu USD vì vi phạm quyền riêng tư, liên quan đến công nghệ nhận dạng khuôn mặt trong tính năng gắn thẻ ảnh trên Facebook.

Vụ bê bối rò rỉ người dùng chấn động nhất và cũng khiến Facebook phải chịu khoản phạt kỷ lục là vụ bê bối Cambridge Analytica. Năm 2018, dữ liệu của hơn 87 triệu người dùng Facebook đã bị Cambridge Analytica, một công ty phân tích dữ liệu có liên kết với Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng cho mục đích chính trị. Facebook sau đó đã phải thừa nhận các vi phạm bảo mật như xâm phạm dữ liệu cá nhân của hàng triệu người dùng.

Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) vào tháng 7-2019 đã thông qua án phạt gần 5 tỷ USD đối với Facebook trong vụ bê bối bảo mật Cambridge Analytica, khoản phạt lớn nhất mà FTC từng áp lên một công ty công nghệ. Số tiền phạt này tương đương khoảng 9% doanh thu năm 2018 của Facebook, công ty mạng xã hội lớn nhất thế giới khi đó.

“Chơi” mạng xã hội là đối mặt với nhiều rủi ro

Ra đời năm 2004, Facebook (đổi tên thành Meta Platforms từ tháng 10-2021) nhanh chóng phát triển thành một nền tảng công nghệ, mạng xã hội xuyên biên giới lớn bậc nhất thế giới. Sau 22 năm “bành trướng” từ công ty được thành lập tại Mỹ, Meta Platforms trở thành tập đoàn có giá trị lớn bậc nhất thế giới với giá trị vốn hóa lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD từ cuối tháng 6-2021.

Meta, hiện là công ty mẹ của mạng xã hội lớn bậc nhất thế giới Facebook, đang sở hữu 4/5 nền tảng mạng xã hội có nhiều người dùng nhất trên thế giới. Trong đó, hơn 4,5 tỷ người, tương đương 57% dân số toàn cầu, sử dụng mạng xã hội, trong đó Facebook hiện có khoảng 2,9 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng. Tập đoàn Meta còn có WhatsApp với khoảng 2 tỷ người dùng hàng tháng, là mạng xã hội lớn thứ ba trên toàn cầu. Thêm hai nền tảng khác là Messenger và Instagram, Meta hiện thống trị mạng xã hội toàn cầu, với tổng cộng 7,5 tỷ người dùng hàng tháng trên 4 nền tảng xuyên biên giới.

Bên cạnh những tiện ích mang lại, Meta hay Facebook theo như cách gọi quen thuộc và phổ biến suốt gần 2 thập kỷ qua cũng mang lại ngày càng nhiều rắc rối, bất tiện, thậm chí nguy cơ, rủi ro và thiệt hại cho người dùng mà lớn nhất là làm rò rỉ thông tin, xâm phạm quyền riêng tư của người dùng. Thế nhưng, đây lại chính là điều mà Facebook dựa chủ yếu vào để kiếm tiền tỷ.

Theo trang công nghệ Newsfeed, nhờ khai thác dữ liệu người dùng để phục vụ cho quảng cáo, Facebook đã kiếm được 84 USD trên mỗi đầu người dùng ở Bắc Mỹ và 27 USD mỗi đầu người dùng ở các nước châu Âu, các khu vực thấp hơn, tùy theo mức sống. Trên danh nghĩa, Facebook là hoàn toàn miễn phí, nhưng thật ra khi tham gia mạng xã hội này, người dùng đã góp phần tạo nên doanh thu cho họ. Bởi muốn đăng ký một tài khoản trên Facebook, người dùng phải chấp nhận để mạng xã hội này sử dụng thông tin cá nhân của họ ở phần “Điều khoản sử dụng” (Terms of Service) mà ít người chú ý đọc kỹ. Như vậy, dùng miễn phí thật ra cũng phải trả một cái giá nhất định, đúng như câu nói quen thuộc ở phương Tây “There’s no free lunch” (Không có gì là miễn phí).

Facebook được cho đã sử dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) để sàng lọc, phân tích về người dùng như xem họ thích xem phim gì, đọc báo nào, xem tivi kênh nào, mua sắm những gì, khuynh hướng chính trị ra sao?... Qua đó, Facebook sẽ cung cấp những thông tin về “phân khúc người dùng” - chứ không phải cung cấp thông tin cá nhân của họ - cho các doanh nghiệp, báo chí, đài truyền hình để đặt mua chỗ đăng quảng cáo trên Facebook, Instagram, Messenger, WhatsApp (đều là các ứng dụng thuộc sở hữu của công ty mẹ Meta). Các quảng cáo này thuộc dạng tinh chỉnh, hướng đến đúng đối tượng người dùng, không dàn trải như trên báo giấy, radio, tivi vốn được đánh giá là tốn kém mà hiệu quả không cao.

Facebook đã bị phạt những khoản tiền trị giá hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng tỷ USD ở nhiều nơi trên thế giới trong các vụ kiện với cáo buộc rò rỉ dữ liệu người dùng hay xâm phạm quyền riêng tư người dùng, song xem ra “ông lớn” này không vì thế mà điều chỉnh, thay đổi cơ bản chứ chưa nói tới việc dừng lại. Nói cách khác, còn chấp nhận dùng các mạng xã hội này là người dùng luôn đứng trước nguy cơ bị rò rỉ dữ liệu cá nhân và bị xâm phạm quyền riêng tư. Đó cũng là lý do mà không ít người trên thế giới đã tuyên bố “nghỉ chơi”, “đoạn tuyệt” với Facebook cũng như các mạng xã hội toàn cầu.