Đổi thay từ “rốn sữa” Ba Vì

(ANTĐ) - Hơn 1 năm sau sự cố sữa nhiễm melamine, chúng tôi trở lại xã Tản Lĩnh -  nơi được coi là “rốn sữa” trắng của Ba Vì. Những hộ chăn nuôi ở đây đã bắt đầu trồng thêm cỏ, mua thêm bò giống để phát triển đàn bò sữa và cùng nhau phấn đấu làm đổi thay bộ mặt của vùng quê nghèo bán sơn địa.

Đổi thay từ “rốn sữa” Ba Vì

(ANTĐ) - Hơn 1 năm sau sự cố sữa nhiễm melamine, chúng tôi trở lại xã Tản Lĩnh -  nơi được coi là “rốn sữa” trắng của Ba Vì. Những hộ chăn nuôi ở đây đã bắt đầu trồng thêm cỏ, mua thêm bò giống để phát triển đàn bò sữa và cùng nhau phấn đấu làm đổi thay bộ mặt của vùng quê nghèo bán sơn địa.

Nhiều nông dân ở Ba Vì đang giàu lên nhờ chăn nuôi bò sữa

Nhiều nông dân ở Ba Vì đang giàu lên nhờ chăn nuôi bò sữa

“Phất” lên nhờ đàn bò

Nghề chăn nuôi bò sữa tất bật và vất vả không kém nghề nông, song nhiều người chăn nuôi ở Tản Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội) đang gắn bó với nó bằng niềm tin vào khát vọng đổi đời. Sự thật, ở một địa bàn nửa miền núi nửa đồng bằng này, cây lúa mọc không tốt, cây chè, cây sắn không đem lại nhiều thu nhập còn du lịch chỉ làm theo thời vụ, thì việc phát triển ngành nghề chăn nuôi bò sữa đã trở thành một hướng đi đúng đắn để xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho địa phương.

Nhìn đàn bò khoang đen khoang trắng 5 con đang chậm rãi nhai cỏ, bầu vú sữa căng đầy, anh Nguyễn Viết Điệp (thôn Hát Giang, Tản Lĩnh) phấn khởi khoe: “Giá sữa thời điểm này đang lên cao (8.700đ/kg). Trung bình mỗi ngày đàn bò nhà tôi cho lượng sữa khoảng 60kg, trừ hết các khoản chi phí thì lãi còn lại được 40%. Dự kiến trong năm nay tôi sẽ đầu tư thêm 2 con bò sữa cao sản nữa…”. Trong suốt 3 năm vừa qua, chất lượng sữa từ đàn bò nhà anh Điệp luôn được đơn vị thu mua trên địa bàn đánh giá cao. Chia sẻ về điều này, anh Điệp cho biết có 4 yếu tố quan trọng nhất là con giống tốt, lượng cỏ xanh đảm bảo, chăm sóc bò tốt, quy trình vắt sữa và bảo quản đúng kỹ thuật…

Cũng như anh Điệp, gia đình anh Nguyễn Gia Hiệp (thôn Hát Giang, Tản Lĩnh) đang “phất” lên trông thấy nhờ chăn nuôi bò sữa. Nhớ lại thời điểm tháng 10-2008, khi sự cố melamine gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hộ chăn nuôi, gia đình anh Hiệp cũng như nhiều hộ chăn nuôi khác ở Tản Lĩnh lâm vào cảnh hết sức khó khăn. Sữa vắt ra bán không ai mua, rất nhiều hộ đã phải rao bán bò sữa với giá… bò thịt để gỡ gạc lại chút vốn.

Thế rồi khi sự cố đi qua, nghề chăn nuôi bò sữa ở Tản Lĩnh đã được phục hồi mạnh mẽ. Gia đình anh Hiệp đã mua thêm được 4 con bò sữa, nâng số bò sữa trong đàn lên 7 con như hiện nay. Mỗi ngày 7 con bò này cho sản lượng khoảng 1 tạ sữa và đem lại lợi nhuận cho gia đình anh 300.000-400.000đ.

Phát triển vùng  nguyên liệu trọng điểm

Xã Tản Lĩnh có 3.542 hộ dân, trong đó có 265 hộ đang chăn nuôi bò sữa. Thế nhưng trong 80 tỷ đồng doanh thu của toàn xã vào năm 2009 thì nguồn thu từ chăn nuôi bò sữa chiếm đến 30%. Ông Nguyễn Mạnh Khẩn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, chính quyền xã luôn xác định nghề chăn nuôi bò sữa là quan trọng nhất tại địa phương. Bên cạnh việc động viên tinh thần người chăn nuôi, liên hệ với Trung tâm Nghiên cứu bò sữa để học tập kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi, chính quyền xã cũng chủ động liên hệ với các công ty sữa trên địa bàn huyện để huy động vốn và tạo đầu ra ổn định cho nguồn sữa nguyên liệu. Đàn bò sữa ở Tản Lĩnh hiện đã lên đến gần 1.000 con với tổng lượng sữa bán ra khoảng 7 tấn/ngày.

Ông Tăng Xuân Lưu - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bò và phát triển đồng cỏ Ba Vì phân tích, Ba Vì có lợi thế và tiềm năng lớn để phát triển nghề chăn nuôi bò sữa bởi nơi đây có khí hậu, nguồn đất trồng cỏ, nguồn nước rất phù hợp với bò sữa. Hiện tại, toàn huyện có khoảng 7.000 con bò sữa và đang phấn đấu từ nay đến năm 2020 sẽ tăng lên 20.000 con. Tuy nhiên khó khăn hiện nay là kỹ thuật chăn nuôi bò sữa của các hộ chăn nuôi ở Ba Vì chưa cao khiến tỷ lệ rủi ro trong chăn nuôi bò sữa hiện còn lớn (12-15%).

Ông Nguyễn Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, chủ trương của huyện trong những năm tới là đẩy mạnh phát triển đàn bò sữa, tạo vùng nguyên liệu cung cấp cho miền Bắc. Cụ thể, sẽ tập trung phát triển mạnh nghề chăn nuôi bò sữa ở 7 xã miền núi, tập trung trọng điểm vào 3 xã gồm Vân Hòa, Yên Bài, Tản Lĩnh. Cũng theo ông Hải, huyện luôn khuyến khích mọi cơ quan, doanh nghiệp, các cá nhân đầu tư vốn, kỹ thuật, trang thiết bị trong lĩnh vực phát triển nghề chăn nuôi bò sữa của huyện.

Duy Tiến