Đối đầu Mỹ - Trung tại Shangri-La

ANTĐ - Đối thoại Shangri-La năm 2016 khai mạc hôm nay (3-6) tại Singapore được cho là sẽ nóng bỏng bởi cuộc đối đầu giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Mỹ và Trung Quốc được cho sẽ đối đầu nhau gay gắt tại Đối thoại Shangri-La năm nay về vấn đề Biển Đông

Đại diện của khoảng 20 quốc gia, trong đó nhiều nước cử người đứng đầu Bộ Quốc phòng như các nước ASEAN, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ… bắt đầu tham dự Đối thoại Shangri-La thường niên diễn ra từ 3 đến 5-6 tại Singapore nhằm trao đổi và tìm kiếm hợp tác trong các vấn đề quốc phòng và an ninh của khu vực. Phái đoàn Mỹ do Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter dẫn đầu, trong khi lãnh đạo đoàn Trung Quốc là Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội, Đô đốc Tôn Kiến Quốc. 

Đối thoại Shangri-La năm nay diễn ra ngay trước khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan) trong tháng 6 này sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện của     Philippines đối với những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc bất chấp mọi phản đối và chỉ trích của các quốc gia khu vực cũng như cộng đồng quốc tế, đang ráo riết tiến hành quân sự hóa, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn cũng như tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Mỹ - quốc gia đang thực hiện chiến lược xoay trục với tuyên bố khu vực châu Á-Thái Bình Dương có lợi ích sống còn - không chỉ phản đối những hành động nạo vét, bồi đắp các bãi đá, rạn san hô thành các đảo nổi nhân tạo trên Biển Đông của Trung Quốc mà còn điều tàu chiến và máy bay tuần tra vào phạm vi 12 hải lý quanh những đảo nổi nhân tạo này nhằm khẳng định tự do hàng hải và hàng không, đồng thời là việc làm thực tế để bác bỏ những yêu sách đòi chủ quyền theo “đường lưỡi bò 9 đoạn” của Bắc Kinh.

Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông còn diễn ra tại nhiều diễn đàn khu vực và thế giới, nhất là những nơi chuyên bàn về an ninh và quốc phòng như Đối thoại Shangri-La.

Tại Đối thoại Shangri-La năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã kêu gọi Trung Quốc ngừng ngay lập tức và vĩnh viễn các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông. Một năm trôi qua, Trung Quốc không những không dừng mà còn hoàn tất 7 bãi đá, rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị họ chiếm giữ trái phép thành những đảo nổi nhân tạo, trong đó xây cả đường băng dài 3.000m trên Đá Chữ Thập.

Nguy hiểm hơn, Trung Quốc còn đang ráo riết triển khai máy bay chiến đấu, tên lửa, máy bay không người lái đến những hòn đảo nhân tạo này nhằm thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) để kiểm soát cả bầu trời và vùng biển trên Biển Đông.

Theo giới quan sát, là một cường quốc hàng đầu thế giới, Mỹ không thể chấp nhận việc Trung Quốc hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông, vì thế chắc chắn sẽ có những phản đối mạnh mẽ hơn tại Đối thoại Shangri-La 2016. Trước thềm đối thoại này, Bộ trưởng Carter ngày 27-5 vừa qua đã cảnh báo Trung Quốc có nguy cơ tạo ra “Vạn Lý Trường Thành tự cô lập” thông qua những động thái khiêu khích các nước láng giềng, đồng thời cam kết duy trì tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

Đáp lại, Bắc Kinh ngày 30-5 đã chỉ trích phát biểu của ông Carter là “chứa đựng tư tưởng chiến tranh lạnh” và là “vỏ bọc cho kế hoạch triển khai thêm lực lượng quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương của Washington”.