Doanh nghiệp Việt vươn tầm quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ không chỉ mở ra khả năng tiếp cận thị trường vốn lớn nhất thế giới và hướng đi quan trọng cho sự phát triển của Công ty hãng xe điện VinFast mà còn khích lệ, truyền cảm hứng cũng như mở ra nhiều cơ hội cho các thương hiệu Việt Nam cùng vươn lên tầm quốc tế.
VinFast là một trong những thương hiệu Việt tiên phong vươn tầm thế giới

VinFast là một trong những thương hiệu Việt tiên phong vươn tầm thế giới

Từ “câu chuyện truyền cảm hứng” VinFast

Cổ phiếu mã giao dịch “VFS” của Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và kinh doanh VinFast (VinFast) đang tiếp tục có chuỗi ngày thăng hoa sau màn rung chuông ra mắt trên Nasdaq Global Select Market ở thành phố New York, Mỹ, vào ngày 15-8 (theo giờ Việt Nam) vừa qua. Trong phiên giao dịch gần đây nhất vào ngày 28-8 (theo giờ New York, Mỹ), VFS tiếp tục thiết lập đỉnh mới 93 USD mỗi cổ phiếu. Dù sau đó có sự điều chỉnh giảm nhưng cổ phiếu hãng xe ô tô điện Việt này vẫn chốt phiên giao dịch với giá 82,35 USD/cổ phiếu, tăng gần 20% so với đầu ngày và tăng gần 4 lần so với giá khởi điểm 22 USD mỗi cổ phiếu. Thanh khoản cả ngày giao dịch của cổ phiếu VFS đạt 12,62 triệu đơn vị với tổng giá trị giao dịch hơn 1 tỷ USD.

Với mức giá trên, vốn hóa thị trường của hãng xe điện VinFast ở mức 191 tỷ USD, bám sát vị trí thứ 2 của Toyota và sau Tesla; bỏ xa hàng loạt các hãng xe tên tuổi nổi tiếng toàn cầu khác như Porsche, Mercedes-Benz, BMW... Cùng với chuỗi ngày cổ phiếu VFS tăng liên tiếp trên sàn Nasdaq, trên bảng xếp hạng của Forbes, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục tăng thêm 10,2 tỷ USD lên 66 tỷ USD, vươn lên vị trí thứ 16 trong danh sách những người giàu nhất thế giới.

Theo giới phân tích, giá cổ phiếu VinFast tăng theo xu hướng đi lên của thị trường chứng khoán Mỹ khi chỉ số Nasdaq Composite (IXIC) ngày 28-8 tăng mạnh 114 điểm lên 13.705 điểm. Bên cạnh đó, cổ phiếu VFS tiếp tục tăng trong bối cảnh lượng cổ phiếu lưu hành tự do (free float) ở mức khá thấp với 4,5 triệu đơn vị so với hơn 2,3 tỷ cổ phiếu hãng xe điện của Việt Nam được niêm yết trên sàn Nasdaq.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc toàn cầu (CEO) của VinFast Lê Thị Thu Thủy cho biết, số lượng cổ phiếu VFS lớn hơn dự kiến sẽ được đưa ra thị trường trong khoảng 6 tháng đến một năm tới. Dự kiến, có thêm khoảng 3 triệu cổ phiếu VFS sẽ được đưa ra thêm trong lần đầu và khoảng 30 triệu trong thời gian sau đó.

Nhìn nhận về việc niêm yết cổ phiếu của một thương hiệu Việt trên thị trường chứng khoán hàng đầu thế giới, bà Lê Thị Thu Thủy cho biết, việc trở thành công ty niêm yết tại Mỹ là cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển toàn cầu của VinFast. Đây không chỉ đơn thuần là những giao dịch trên thị trường chứng khoán mà còn ghi nhận niềm tin mạnh mẽ vào tầm nhìn và tiềm năng của chúng tôi, cũng như thực hiện cam kết của chúng tôi là làm cho các phương tiện điện thông minh, an toàn và thân thiện với môi trường trở nên dễ tiếp cận hơn với mọi người. “Câu chuyện của VinFast chắc chắn sẽ truyền cảm hứng, giúp các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam có thêm động lực, kinh nghiệm để theo chân VinFast đưa thương hiệu Việt vươn tầm quốc tế” - đó là nhận định của giới chuyên gia về việc hãng sản xuất ôtô thuần điện của Việt Nam niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.

Thực ra, VinFast không phải là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Trước đó, năm 2006, Công ty cổ phần xây dựng và đầu tư Việt Nam (Cavico) từng niêm yết “cửa sau” trên bảng Pink Sheets của thị trường chứng khoán Mỹ thông qua SPAC, sau đó là sàn OTC.BB vào năm 2008. Từ tháng 9-2009, Cavico mới chính thức đặt chân lên sàn Nasdaq. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm, cổ phiếu CAVO của Cavico bị hủy niêm yết do vi phạm yêu cầu liên quan đến công bố thông tin. Tuy nhiên, đó là bước khởi đầu để Cavico vươn ra thị trường thế giới. Năm 2021, Cavico ký hợp đồng với phía Lào thực hiện khai thác mỏ Nickel trữ lượng lên tới 470.000 tấn trong vòng 20 năm. Năm 2022, Cavico thực hiện dự án xây dựng nhà máy chế biến khoáng sản, trong đó công suất tại nhà máy Nickel đạt từ 70.000 - 100.000 tấn/năm, góp phần giúp Việt Nam chủ động về nguồn cung pin cho các loại xe điện.

Thương hiệu Việt đủ sức vươn xa trên thị trường thế giới

Cùng với VinFast, những năm qua, một số doanh nghiệp Việt khác cũng có dự định niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán nước ngoài, trong đó có Vietjet Air. Hiện, hãng bay Việt Vietjet Air (VJC) đang lần lượt được niêm yết trên sàn UPCOM và HOSE. Có thể thấy, việc IPO thành công tại các nước phát triển, đặc biệt tại Mỹ là mong muốn của nhiều doanh nghiệp Việt nhằm hướng tới phát triển bền vững, vươn tầm thế giới. Nhiều chuyên gia cùng có chung nhận định rằng, niêm yết tại Mỹ là cơ hội tiếp cận với nguồn vốn lớn cũng như tăng giá trị của công ty trên thị trường toàn cầu. Vấn đề là các doanh nghiệp phải nỗ lực để đủ điều kiện và đủ cả quyết tâm để đạt được mục tiêu đó. Trên thực tế, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, nhiều doanh nghiệp Việt đã và đang từng bước khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế, đưa những sản phẩm “Made in Vietnam”, “Make in Vietnam” đến với người tiêu dùng toàn cầu.

Trong số những thương hiệu Việt đắt giá nhất, Vinamilk đã góp phần đưa Việt Nam từ một đất nước gần như không có ngành công nghiệp sữa trở thành nước xuất khẩu sữa, mang sản phẩm sữa Việt đến hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vinamilk nằm trong top 50 công ty sữa lớn nhất thế giới và tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu. Điều khá thú vị là dù được hiện diện tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, song những nhãn hiệu làm nên tên tuổi Vinamilk là “Ông Thọ” và “Ngôi sao Phương Nam” vẫn hầu như giữ nguyên bao bì, tạo dấu ấn bản sắc Việt trên thế giới.

Không chỉ bình dân hóa điện thoại di động - một dịch vụ xa xỉ chỉ được tiếp cận bởi 5% dân số Việt vào cuối thế kỷ 20, Viettel đã tiến vào thị trường 17 quốc gia và nhanh chóng gây ấn tượng khi trở thành một trong 5 nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, với doanh thu hàng năm đạt hơn 10 tỷ USD, tương đương 3% GDP của Việt Nam. Sự tăng trưởng kỷ lục của Viettel là minh chứng rõ rệt cho quyết tâm của một thương hiệu Việt không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà còn tiến ra thị trường thế giới trong thời đại mới.

Nội thất Hòa Phát - được đổi tên thành Nội thất The One từ đầu năm 2022 - là thương hiệu tiên phong dẫn đầu ngành nội thất Việt, tạo ra những sản phẩm “quốc dân” gắn liền với nhiều thế hệ người tiêu dùng trong nước và còn khá thành công tại nước ngoài. Sau gần 3 thập kỷ hoạt động, uy tín của thương hiệu đã được minh chứng bằng sự tín nhiệm của không ít khách hàng tại nhiều thị trường “khó tính” như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Đông…

“Câu chuyện truyền cảm hứng” của VinFast bên cạnh là kinh doanh mà cao hơn đã khẳng định được thương hiệu Việt có thể đủ sức vươn xa trên thị trường thế giới, kể cả với những mặt hàng và phân khúc tiêu dùng cao cấp. Việc ngày càng có nhiều thương hiệu Việt Nam tiến ra thị trường thế giới cho thấy những bước đi đúng đắn và kịp thời và quá trình vươn lên trong toàn cầu hóa. Đó cũng là lý do để tổ chức Brand Finance đánh giá, Việt Nam rất tích cực trong xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu.

Theo đánh giá của tổ chức định giá thương hiệu quốc gia có trụ sở tại Anh này, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và xung đột chính trị trên thế giới, Thương hiệu quốc gia Việt Nam là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới, với mức tăng 74% trong giai đoạn 2019-2022. Một báo cáo của Brand Finance cho thấy, giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020 tăng 29,1% so với năm 2019, đạt mức 319 tỷ USD; năm 2021 tăng 21,6% so với năm 2020, đatk 388 tỷ USD; năm 2022 tăng 11,1% so với năm 2021, lên mức 431 tỉ USD. Trong Bảng đánh giá Top 100 Thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới của Brand Finance, Thương hiệu quốc gia Việt Nam luôn được xếp ở nửa trên của bảng xếp hạng và có mức tăng hạng đều qua các năm. Năm 2022, Thương hiệu quốc gia Việt Nam được xếp ở vị trí thứ 32/100.

Thủ tướng Chính phủ từ hơn 15 năm trước đã quyết định chọn ngày 20-4 hàng năm là Ngày Thương hiệu Việt Nam (ngày đầu tiên 20-4-2008) với mục đích xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia có các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, tạo uy tín vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế. Từ đó, nhiều chính sách đã được đưa ra nhằm tiếp sức cho thương hiệu Việt. Các doanh nghiệp Việt cũng đã tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường quốc tế và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó nhiều doanh nghiệp Việt đã và đang từng bước khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.