Doanh nghiệp vẫn thờ ơ

(ANTĐ) - “Phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam chưa quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ sở hữu trí tuệ” - ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Phòng chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cho biết tại Lễ kỷ niệm “Ngày Phòng chống hàng giả, hàng nhái” diễn ra sáng 26-11.

Doanh nghiệp vẫn thờ ơ

(ANTĐ) - “Phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam chưa quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ sở hữu trí tuệ” - ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Phòng chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cho biết tại Lễ kỷ niệm “Ngày Phòng chống hàng giả, hàng nhái” diễn ra sáng 26-11.

Người tiêu dủng cần nâng cao ý thức chống hàng giả (ảnh minh họa)
Người tiêu dủng cần nâng cao ý thức chống hàng giả (ảnh minh họa)

Doanh nghiệp chưa phối hợp

Theo ông Lê Thế Bảo, không ít chủ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cứ có lợi nhuận là làm. Bởi thế nên khi sản phẩm của công ty họ bị làm giả, làm nhái, họ thiếu thiện chí hợp tác với cơ quan chức năng để điều tra, xử lý. “Nhiều doanh nghiệp sợ báo cáo thông tin sản phẩm của họ bị làm giả vì nghĩ người tiêu dùng cảnh giác, không sử dụng sản phẩm của họ, dẫn đến giảm doanh thu. Vậy nên khi phát hiện thấy hàng giả, hàng nhái, họ cũng chẳng mặn mà báo cáo hay hợp tác với cơ quan chức năng để điều tra” - ông Bảo cho hay.

Thực trạng này rất đáng lo ngại, bởi nếu hàng giả, hàng nhái lộng hành, không chỉ các doanh nghiệp làm ăn chân chính bị thiệt hại mà cả người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng. Hậu quả càng nghiêm trọng đối với những mặt hàng thực phẩm, dược phẩm,… có tác động trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Thủy - Đội trưởng Đội Chống hàng giả, bảo vệ sở hữu trí tuệ (Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan) cũng cho biết: “Sự quay lưng của doanh nghiệp với việc chống hàng giả đã gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng, vì muốn chứng minh đó là hàng giả, cơ quan chức năng cần có thông tin về hàng thật để so sánh, đối chiếu”.

Theo ông Nguyễn An Bình - Chánh văn phòng Công ty TNHH Thương mại - Vic (sở hữu thương hiệu thức ăn chăn nuôi Con heo Vàng), việc doanh nghiệp phát hiện hàng giả mà không báo cáo xử lý là con dao 2 lưỡi. Thực tế, Công ty Vic từng nhiều lần bị làm giả sản phẩm và người tiêu dùng hiểu sai về công ty. Bởi vậy, khi phát hiện bất cứ sai phạm nào, Vic cũng báo cáo cơ quan chức năng ngay để có giải pháp xử lý.

Ông Lê Thế Bảo cho biết: “Hàng giả, hàng nhái trên thị trường Việt Nam rất nhiều. Ngay tại Hà Nội, nhiều mặt hàng bị làm giả như: nước giải khát, rượu, thuốc, thức ăn chăn nuôi, băng đĩa nhạc, mỹ phẩm... nhưng cơ quan chức năng không bắt và xử lý được”!

Chủ tịch VATAP cũng cho rằng, các loại hàng hóa vi phạm pháp luật này ngày càng được làm với thủ đoạn tinh vi, khó nhận biết và với tốc độ nhanh hơn. Hàng giả, hàng nhái thường được sản xuất ở nước ngoài, tại những khu vực giáp ranh với biên giới Việt Nam nên xử lý rất khó khăn, mà hàng tuồn vào nước ta lại rất nhanh chóng và thuận tiện.

Doanh nghiệp cần tự bảo vệ mình

Ông Nguyễn Hùng Dũng - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng: “Doanh nghiệp cần phối hợp với VATAP và cơ quan chức năng tự bảo vệ thương hiệu của mình trước”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Minh Loan - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn dầu khí An Pha (sở hữu thương hiệu Anpha Petrol gas) cho biết, để bảo vệ thương hiệu, chống lại hàng giả, hàng nhái, doanh nghiệp cần phải làm các công việc: Đầu tư dây chuyền, công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn từ khâu sản xuất để tạo ra các sản phẩm chất lượng. Ví dụ với các doanh nghiệp kinh doanh gas, khâu chiết nạp cần được đặc biệt chú ý.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đầu tư được hệ thống đại lý, phân phối sản phẩm uy tín đến tận tay người tiêu dùng cuối. Các công ty gas lớn: Anpha Petrol gas, Sài Gòn Petro… đều đã xây dựng được hệ thống bán lẻ khắp cả nước, có nhân viên được huấn luyện nghiệp vụ. Ngoài ra, để ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức đối với người tiêu dùng và cả doanh nghiệp rất quan trọng. 

Theo ông Nguyễn Văn Thủy, vi phạm vì làm hàng giả, hàng nhái có các chế tài nghiêm minh để xử lý, từ phạt hành chính, thu hồi sản phẩm, đến đình chỉ sản xuất, thậm chí xử lý hình sự.

Ông Nguyễn Hùng Dũng cũng cho hay, Bộ Công Thương đang xây dựng Nghị định Chống hàng giả nhưng công việc này đang gặp nhiều khó khăn trong việc xác định mức độ vi phạm của hàng hóa đến đâu, để có căn cứ khẳng định đó là hàng giả, hàng nhái.

Tuy nhiên, ông Dũng khẳng định, khi nghị định ra đời, các hành vi vi phạm pháp luật nêu trên sẽ giảm xuống.

Vân Hằng