Doanh nghiệp thiếu thông tin về thị trường nước ngoài

(ANTĐ) - Băn khoăn trên của các doanh nghiệp Việt  Nam được chia sẻ tại hội nghị “Doanh nghiệp với các đại sứ mới bổ nhiệm” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 13-1.

Doanh nghiệp thiếu thông tin về thị trường nước ngoài

(ANTĐ) - Băn khoăn trên của các doanh nghiệp Việt  Nam được chia sẻ tại hội nghị “Doanh nghiệp với các đại sứ mới bổ nhiệm” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 13-1.

Ông Vũ Ngọc Hải - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xăng, dầu Việt Nam bày tỏ: “Doanh nghiệp chúng tôi cần thông tin về thị trường nước ngoài như: môi trường pháp lý, văn hóa kinh doanh nói chung và những thông tin về doanh nghiệp đối tác nói riêng.

Tuy nhiên, thông tin hiện nay còn rất thiếu. Website của các Bộ, ngành liên quan chủ yếu cung cấp thông tin tổng hợp về thị trường lớn, phục vụ cho các doanh nghiệp lớn. Thông tin về thị trường nhỏ gần như không có”. Hầu hết doanh nghiệp phải tự “mò mẫm” về thị trường nước ngoài.

Ông Đỗ Quý Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển viễn thông Việt Nam kiến nghị các đại sứ quán hỗ trợ doanh nghiệp trong nước thẩm định thông tin về đối tác nước ngoài như: uy tín, khả năng tài chính, các rào cản kỹ thuật có thể gặp phải để doanh nghiệp Việt Nam né tránh…

Ông Trần Trọng Toàn - Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết: “Đại sứ quán Việt Nam tại các nước sẽ giúp đỡ doanh nghiệp Việt Nam trong việc thẩm định thông tin về đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về thị trường thì doanh nghiệp phải tự tìm hiểu”.

Theo ông Phùng Ngọc Thắng - Phó Tổng giám đốc hệ thống thông tin FPT, việc trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp trong nước và các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài cần mạnh mẽ hơn, không phải khi nào cần mới gọi đến nhau.

Còn đại diện Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực Hoa Anh Đào băn khoăn: “Tôi đã ra nước ngoài, gọi điện thoại đến đại sứ quán Việt Nam nhờ trợ giúp nhưng không ai nhấc máy”. Theo vị đại diện này, dù có xuất trình hộ chiếu, chứng minh thư tại đại sứ quán thì cũng rất khó vào trong tòa nhà “kín cổng cao tường” này.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có cơ hội tháp tùng các đoàn ngoại giao cấp cao ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội giao thương, thường đi nhỏ lẻ nên họ vừa bỡ ngỡ, vừa khó được đại sứ quán giúp đỡ. Điều này đã hạn chế nhiều khả năng hợp tác phát triển của các doanh nghiệp nhỏ trong nước. Ông kiến nghị: “Đại sứ quán các nước nên để chế độ tổng đài tự động trả lời, hẹn giờ cho doanh nghiệp gọi điện lại gặp đại diện của đại sứ quán liên hệ công việc”.

Ông Trần Trọng Toàn khẳng định, đại sứ quán các nước tiếp nhận điện thoại 24/24h và luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng để thuận lợi hơn, trước khi ra nước ngoài tìm hiểu thị trường, cơ hội kinh doanh, doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động liên lạc từ trong nước, đặt lịch hẹn làm việc cho thuận lợi.             

Vân Hằng