Doanh nghiệp than lúc cần tiền thì khó vay, lúc ngân hàng có tiền thì lại không cần vay, Ngân hàng Nhà nước nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc điều hành chính sách tiền tệ chịu nhiều áp lực, phải cân đối giữa các nhiệm vụ, mục tiêu đan xen, thậm chí có thời điểm mâu thuẫn nhau.

Trong kiến nghị mới đây được chuyển đến Ngân hàng Nhà nước NHNN), cử tri phản ánh: Thời gian qua, việc điều hành chính sách tiền tệ có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp. Cụ thể như: Cuối năm 2022 việc vay vốn gặp rất nhiều khó khăn do các ngân hàng thương mại có chủ trương thu tiền về gấp, không cho doanh nghiệp được đáo hạn; Hiện nay các ngân hàng thương mại lại dư thừa tiền để cho vay nhưng nhiều doanh nghiệp không còn nhu cầu nữa.

Do đó, cử tri đề nghị NHNN nghiên cứu điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, nhất quán và ổn định hơn giúp các doanh nghiệp yên tâm, chủ động đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Điều hành chính sách tiền tệ chịu nhiều áp lực

Trả lời kiến nghị này, NHNN cho biết, thời gian qua, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã điều hành các công cụ chính sách tiền tệ đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để hướng đến mục tiêu cao nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế phù hợp.

Tuy nhiên, với đặc điểm là một nền kinh tế nhỏ, độ mở lớn, kinh tế Việt Nam dễ chịu tác động từ những biến động bất thường trên thị trường thế giới, công tác điều hành chính sách tiền tệ về lãi suất, tỷ giá trong nước chịu áp lực từ việc điều chỉnh chính sách tiền tệ tại các NHTW lớn trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, điều hành chính sách tiền tệ phải cân đối giữa các nhiệm vụ, mục tiêu đan xen, thậm chí có thời điểm mâu thuẫn nhau trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), nâng cao tính linh hoạt trong điều hành, tạo dư địa chính sách để tăng khả năng hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài.

Ví dụ như trong thời điểm cuối năm 2022, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu neo ở mức cao, đồng USD tăng giá mạnh, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh và mạnh của Fed đã gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.

Cùng với đó, sự cố ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) gây áp lực lớn đến thị trường tiền tệ, NHNN đã điều chỉnh tăng lãi suất điều hành 0,8-2%/năm trong tháng 9 và 10/2022 để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.

“Đây là giải pháp kịp thời, phù hợp với xu hướng chung tăng lãi suất trên toàn thế giới để ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá, tạo dư địa thích ứng mới với các biến động trên thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô đảm bảo an toàn hệ thống” – NHNN cho hay.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc điều hành chính sách tiền tệ chịu rất nhiều áp lực

Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc điều hành chính sách tiền tệ chịu rất nhiều áp lực

Trong các tháng đầu năm 2023, khi điều kiện thị trường cho phép và để hướng đến mục tiêu hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã điều chỉnh giảm liên tục 04 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn tiếp tục tăng và neo ở mức cao, qua đó đã tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.

Điều hành tín dụng phù hợp thực tiễn

Về điều hành tín dụng, đối với năm 2022, từ tháng 10/2022 sau sự kiện rút tiền hàng loạt xảy ra tại SCB và có dấu hiệu lan truyền ở một số TCTD, ảnh hưởng lớn tới thanh khoản hệ thống, thì các TCTD phải gia tăng đảm bảo thanh khoản, hạn chế khả năng cấp thêm tín dụng.

Sang tháng 12/2022, một số TCTD đã hết hoặc sát chỉ tiêu tín dụng và khi thanh khoản thị trường cải thiện hơn, tâm lý thị trường dần phục hồi, NHNN đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống thêm 1,5-2% vào ngày 05/12/2022 nhằm tạo điều kiện cho các TCTD có khả năng tăng trưởng tín dụng cung ứng thêm vốn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Nhờ đó, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng cả năm 2022 đạt 14,18% (cao nhất trong 5 năm gần đây).

Như vậy, NHNN cho rằng công tác điều hành tín dụng năm 2022 của NHNN là phù hợp, kịp thời, giải quyết hài hòa một số thách thức trong bối cảnh lúc đó.

Cụ thể, điều hành tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống, trong khi các chỉ tiêu tiền tệ như tín dụng/huy động vốn và dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã và đang ở ngưỡng cảnh báo, thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn;

Đồng thời, đảm bảo ổn định hoạt động hệ thống các TCTD khi thị trường chịu tác động mạnh bởi sự cố ngân hàng SCB chưa từng có tiền lệ, ảnh hưởng lớn đến thanh khoản và niềm tin của người gửi tiền.

Bên cạnh đó, ngoài việc duy trì, đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu an toàn hoạt động theo quy định của NHNN, việc mở rộng/thu hẹp tín dụng còn phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh, khẩu vị rủi ro, đặc thù hoạt động… của các TCTD trong từng thời kỳ.

“Trong trường hợp nhận được khiếu nại, phản ánh của khách hàng về việc các TCTD cố tình không tuân thủ các quy định của pháp luật về hoạt động ngân hàng và cấp tín dụng, NHNN sẽ xem xét, xử lý, đảm bảo hoạt động tín dụng diễn ra thuận lợi, an toàn, hiệu quả” – NHNN cho hay.

Sang năm 2023, ngay từ đầu năm, NHNN đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD và đến tháng 7/2023, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế khó khăn, các nguồn vốn trong nền kinh tế gặp khó khăn, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng với mức giao toàn hệ thống bằng với chỉ tiêu định hướng năm 2023.

Mặc dù NHNN đã triển khai quyết liệt rất nhiều giải pháp, nhưng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng đầu năm và mức NHNN đã thông báo cho các TCTD.

Cùng với đó, mức tăng trưởng tín dụng không đồng đều, do đó, NHNN đã chủ động linh hoạt điều hòa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong toàn hệ thống từ TCTD không sử dụng hết chỉ tiêu sang các TCTD cần được tiếp tục mở rộng, từ ngày 29/11/2023.

NHNN cũng cho biết, trong năm 2024, tiếp tục bám sát Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, NHNN đã đưa ra kế hoạch định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng từ đầu năm và tiến hành thông báo nguyên tắc tính toán chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để TCTD tự xác định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của mình.