Lãi suất xuống vùng đáy, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng giảm tốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng gần như không tăng trong tháng 10 năm nay, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật dữ liệu tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng theo tháng, tính đến cuối tháng 10/2023, với tổng tiền gửi đạt hơn 12,7 triệu tỷ đồng.

Trong đó, tiền gửi của dân cư đạt gần 6,45 triệu tỷ đồng và tiền gửi của các tổ chức kinh tế là hơn 6,25 triệu tỷ đồng.

Như vậy, đà tăng tiền gửi của dân cư trong tháng 10 đã chững lại, chỉ tăng thêm 422 tỷ đồng so với cuối tháng 9 và là con số thấp nhất trong vòng hơn 1 năm qua.

Có thể thấy, cùng với xu hướng giảm mạnh lãi suất huy động thì tiền gửi khu vực dân cư vào hệ thống ngân hàng cũng tăng tốc chậm lại. Trước đó, trong tháng 9, tiền gửi dân cư đã tăng hơn 16.000 tỷ đồng, trong tháng 8 cũng chỉ tăng thêm gần 44.000 tỷ đồng; tháng 7 tăng thêm hơn 6.700 tỷ đồng…

Những con số này vẫn khá tích cực, góp phần đưa tiền gửi dân cư liên tục cán mốc kỷ lục mới, song thấp hơn khá nhiều so với mức tăng lên đến trên 100.000 tỷ đồng mỗi tháng trong các tháng cuối năm ngoái và quý đầu năm nay.

Tiền gửi dân cư vào các ngân hàng có xu hướng chững lại

Tiền gửi dân cư vào các ngân hàng có xu hướng chững lại

Trong khi đó, sau khi sụt giảm trong những tháng đầu năm thì tiền gửi doanh nghiệp có xu hướng tăng tốc mạnh hơn so với tiền gửi dân cư trong các tháng cuối năm. Mức tăng thêm cho tháng 10 là 23.554 tỷ đồng.

Dù vậy, con số trên vẫn khá khiêm tốn so với các tháng trước đó, chỉ bằng 1/10 so với tháng liền trước (217.000 tỷ đồng) và thấp hơn nhiều so với tháng 8 (103.000 tỷ đồng).

Tính từ đầu năm, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng đã tăng 9,95%, trong khi tiền gửi các tổ chức kinh tế tăng 5,05%.

Hiện mặt bằng lãi suất huy động ở mức rất thấp với các kỳ hạn ngắn (dưới 6 tháng chỉ xoay quanh 2%). Kỳ hạn 12 tháng, hiện mức lãi suất không chỉ của nhóm Big4 (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) mà còn các ngân hàng tư nhân cũng chỉ còn quanh mốc 5 – 5,5%/năm.

Dù vậy, tính chung năm, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn rất tích cực. Theo Ngân hàng Nhà nước tiền gửi cư dân và các tổ chức kinh tế đến cuối năm 2023 đã đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng (tăng trưởng 13,2% so với cuối năm 2022), là cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng.

Tính chung trong năm 2023, tiền gửi của của cư dân và các tổ chức kinh tế đã tăng thêm 1,68 triệu tỷ đồng – mức tăng cao nhất từ trước đến nay, và ước tính riêng quý 4 tăng trên 800.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh đó, các ngân hàng vẫn khá lạc quan về tốc độ tăng trưởng huy động vốn trong năm nay. Theo kết quả khảo sát mới đây của Ngân hàng Nhà nước, huy động vốn toàn hệ thống tổ chức tín dụng được kỳ vọng tăng trưởng bình quân 2,6% trong quý I/2024 và tăng 12,1% trong cả năm 2024.

Các ngân hàng cũng dự báo mặt bằng lãi suất huy động – cho vay có thể tiếp tục giảm nhẹ, bình quân kỳ vọng giảm 0,3-0,4 điểm % trong quý I/2024 và giảm 0,2 điểm % trong cả năm 2024.