Doanh nghiệp quay cuồng trong cơn “bão giá” xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giá xăng dầu liên tục tăng cao, nhiều loại nguyên vật liệu linh kiện sản xuất tăng giá trong thời gian ngắn đã gây áp lực đối với hành trình phục hồi của doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19. Dù nửa đầu năm nay, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tương đối khả quan, nhưng cơn “bão giá” chi phí đầu vào lại đặt ra nhiều thách thức trong 6 tháng cuối năm.

Áp lực chi phí đầu vào

Là ngành đang phát triển mạnh nhưng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc tăng giá xăng dầu, đại diện Hiệp hội Logistic Việt Nam (VLA) cho biết, toàn bộ hàng hóa nội địa bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu, giá vận tải tăng lên. “Hiện nay, giá cả đang tăng lên cả trong nước và quốc tế. Do vậy, việc làm việc với các hãng tàu về vấn đề giá là rất quan trọng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải tính đến phát triển dịch vụ hậu cần, kho bãi tại cảng, trung tâm của các thị trường lớn chủ lực cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam” - đại diện VLA nói.

Theo VLA, năm 2021, chi phí logistics tại Việt Nam chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa trong khi mức chi phí này trên thế giới hiện chỉ khoảng 10,6%. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí logistics đã và đang là “gánh nặng” đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Đáng chú ý, trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao liên tục thì sự chênh lệch này còn lớn hơn trong năm nay, sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành này ngày càng giảm xuống.

Doanh nghiệp nhọc nhằn phục hồi sau đại dịch Covid-19 trong cơn “bão giá” xăng dầu

Doanh nghiệp nhọc nhằn phục hồi sau đại dịch Covid-19 trong cơn “bão giá” xăng dầu

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nêu thực tế, giá xăng dầu tăng tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp, đối với doanh nghiệp thủy sản, sự việc tàu dừng không đi biển là có. Tuy nhiên, chi phí cảng biển tăng, cước phí tàu tăng mạnh đã tác động trực tiếp tới doanh nghiệp. Đơn cử như chi phí 1 container đông lạnh 40 feet xuất khẩu đi Mỹ mất khoảng 400 - 440 triệu đồng. 1 doanh nghiệp mỗi tháng chi phí cho dịch vụ loigictics lên tới vài tỷ đồng, thậm chí cả chục tỷ đồng. Do vậy, VASEP đề nghị cơ quan chức năng cần có những biện pháp cần thiết để giảm chi phí logisics trong thời gian tới.

“Giá xăng dầu được điều chỉnh 17 lần, làm cho giá xăng A95 tăng 11.850 đồng/lít, xăng E5 tăng 11.129 đồng/lít, dầu diesel tăng 13.500 đồng/lít, so với hồi đầu năm. Bình quân 6 tháng giá xăng dầu trong nước tăng khoảng 51,83% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,8%”.

Tổng cục Thống kê

Cũng vừa mới nhộn nhịp khách bay trở lại sau hơn 2 năm vắng lặng vì dịch bệnh, ngành hàng không Việt Nam lại đối diện với khó khăn mới khi giá xăng dầu tăng cao. Ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hàng không Việt Nam cho biết: “Hiện, giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, ngành hàng không đang gặp khó khăn do đại dịch, cộng với giá xăng dầu tăng mạnh, chi phí tăng nhanh trong khi đó giá vé trần xây dựng hiện nay đang được xây dựng trên mức giá xăng dầu 80USD/ thùng. So với giá quốc tế thì giá của chúng ta vẫn ở mức cạnh tranh, thời điểm du lịch tăng rất nhanh, các chuyến bay tăng tần suất”.

Phản ánh với Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, nhiều đại diện hiệp hội, ngành hàng cho biết, bên cạnh tác động tiêu cực từ việc tăng giá xăng dầu, chi phí cho nguyên vật liệu sản xuất cũng tăng mạnh. Do đó, dù đầy đơn hàng, doanh nghiệp vẫn vừa mừng vừa lo.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, những tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp da giày có nhiều đơn hàng hơn, triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt hơn. Tuy nhiên, hiện tại các doanh nghiệp trong ngành lại đối mặt với những vấn đề như tỷ lệ tồn kho cao (khoảng 40%), chi phí logistics cao, thiếu hụt nguồn lao động cho sản xuất và “đứt, gãy” chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu khi Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách “Zero Covid-19”. Đồng quan điểm này, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho hay, giá nguyên vật liệu sản xuất đang tăng rất cao cùng với lo ngại về thị trường đang tạo ra thách thức với mục tiêu xuất khẩu 43 tỷ USD trong năm nay.

Cùng doanh nghiệp tháo gỡ

Theo ông Bùi Doãn Nề, để gỡ khó cho doanh nghiệp, Hiệp hội đề xuất thời gian tiếp tục thực hiện hỗ trợ ngành hàng không phục hồi là đến tháng 6-2023 hoặc đến cuối năm 2023. Đây là sự hỗ trợ cần thiết để ngành hàng không Việt Nam tranh thủ cạnh tranh khi nhu cầu du lịch, đi lại của người dân tăng cao.

Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm rất đáng mừng vì tăng trưởng trở lại, du lịch cũng bắt đầu khởi sắc. Thời gian qua, doanh nghiệp du lịch đóng cửa khá lớn nhưng số lượng doanh nghiệp mới thành lập cũng rất lớn cho thấy thị trường luôn có sự thích ứng nhất định. Đặc biệt, du lịch Việt Nam hiện rất có tiềm năng với các sản phẩm du lịch thể thao như: du lịch golf, chạy bộ; du lịch sinh thái… Do đó, để thúc đẩy du lịch hồi phục và phát triển trong thời gian tới, rất cần sự hỗ trợ xây dựng những sản phẩm mới để thu hút khách quốc tế. Đồng thời, nâng cao về năng lực cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực.

Thẳng thắn nhìn nhận vào khó khăn của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, doanh nghiệp đang đối mặt với không ít khó khăn, ảnh hưởng đến phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là chính sách giảm thuế VAT; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đánh giá cơ hội từ tình hình thế giới, khu vực để tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, xuất khẩu; mở rộng đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh; chuyển dịch chuỗi cung ứng hàng hoá, nguyên liệu đầu vào theo hướng bền vững… Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ lắng nghe, tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp để kiến nghị Chính phủ từng bước tháo gỡ.

Ở góc độ “quan sát viên”, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, năm 2021, đầu 2022 là thời điểm phải tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, hồi phục sau dịch bệnh, thì các cuộc thanh tra, kiểm tra vẫn diễn ra, gây khó cho khu vực doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hoạt động cải cách hành chính của các cơ quan Nhà nước có dấu hiệu chững lại. Do đó, cần đẩy mạnh cải cách để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh, đây là giải pháp đậm nét cuối năm 2022, đầu năm 2023. Đồng ý với ý kiến này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần có sự điều chỉnh trong thực thi cải cách ở các cấp để không tạo thêm rào cản, chi phí cho doanh nghiệp.

“Giá xăng dầu tăng tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp, đối với doanh nghiệp thủy sản, sự việc tàu dừng không đi biển là có. Tuy nhiên, chi phí cảng biển tăng, cước phí tàu tăng mạnh đã tác động trực tiếp tới doanh nghiệp”.

Ông Nguyễn Hoài Nam (Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP)

“Giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, ngành hàng không đang gặp khó khăn do đại dịch, cộng với giá xăng dầu tăng mạnh, chi phí tăng nhanh trong khi đó giá vé trần xây dựng hiện nay đang được xây dựng trên mức giá xăng dầu 80USD/ thùng. So với giá quốc tế thì giá của chúng ta vẫn ở mức cạnh tranh, thời điểm du lịch tăng rất nhanh, các chuyến bay tăng tần suất”.

Ông Bùi Doãn Nề (Phó Chủ tịch Hiệp hội Hàng không Việt Nam)

“Những tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp da giày có nhiều đơn hàng hơn, triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt hơn. Tuy nhiên, hiện tại các doanh nghiệp trong ngành lại đối mặt với những vấn đề như tỷ lệ tồn kho cao (khoảng 40%), chi phí logistics cao, thiếu hụt nguồn lao động cho sản xuất và đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu…”.

Bà Phan Thị Thanh Xuân (Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam)