Doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn ngân hàng thay đổi quan điểm cho vay

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Doanh nghiệp nhỏ và vừa quy mô quá nhỏ, năng lực tài chính, trình độ quản trị... yếu, trong khi ngân hàng không thể hạ chuẩn vay. Điều này khiến dòng vốn tín dụng đến doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn ách tắc.

Nhiều vướng mắc

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, bình quân giai đoạn 2018-2022, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tăng 14,17%, cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế.

NHNN cho rằng tín dụng đối với DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng và được NHNN triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khơi thông, đã đạt được những kết quả tích cực, quy mô vốn tín dụng ngày càng lớn. Tuy nhiên, vẫn còn có phản ánh DNNVV khó tiếp cận vốn ngân hàng và việc cho vay DNNVV vẫn còn khó khăn, vướng mắc.

Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong đó, ngoài nguyên nhân khách quan từ bối cảnh kinh tế chung thì có cả nguyên nhân từ phía ngân hàng và DN.

Cụ thể, về phía ngành ngân hàng, trong bối cảnh thực hiện cơ cấu lại hoạt động ngân hàng, các TCTD đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng, do đó, không thể thực hiện các giải pháp về “hạ chuẩn” điều kiện cấp tín dụng.

Việc tiếp cận thông tin về các DNNVV của các TCTD còn hạn chế do chủ yếu khai thác thông tin thông qua việc tìm hiểu trực tiếp doanh nghiệp và qua CIC, chưa khai thác được tối đa các thông tin từ các hiệp hội, ngành nghề, cơ quan thuế, cơ quan hải quan...

Doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng

Doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng

Trong khi đó, về phía DNNVV hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (65%), quy mô vốn, vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, số liệu tài chính thiếu minh bạch, chính xác, thiếu tài sản bảo đảm, không có báo cáo tài chính được kiểm toán, báo cáo thuế lại có sự khác biệt với báo cáo tài chính nội bộ, chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định nên ngân hàng khó xem xét cấp tín dụng.

Đa số các DNNVV khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng là các DNNVV mới thành lập, mới gia nhập các ngành, lĩnh vực kinh tế mới, vì vậy, TCTD không có dữ liệu lịch sử hoạt động, không thể thực hiện xếp hạng tín nhiệm khi thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ của DNNVV, các TCTD khó khăn trong việc quản lý dòng tiền do nhiều DNNVV chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng.

Nhiều DNNVV đến nay vẫn chưa đủ khả năng trả nợ hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn...

Các DN còn hạn chế về kỹ năng hoạch định, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh nên các phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thường thiếu tính khả thi và chưa có kế hoạch ứng phó với biến động thị trường. Đa phần các DNNVV chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác lập dự án kinh doanh, chỉ coi công tác lập dự án là thủ tục để huy động vốn.

Ngoài ra, nhiều vướng mắc pháp lý đối với tài sản thế chấp của DNNVV cũng dẫn đến không đáp ứng được điều kiện vay vốn của doanh nghiệp.

Ngân hàng cũng cần thay đổi quan điểm cho vay DNNVV

Nói thêm về khó khăn của các DNNVV khi tiếp cận vốn ngân hàng, bà Bùi Thu Thủy – Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch đầu tư cho biết, theo kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu phản ứng kinh tế Trung ương, các DNNVV tiếp chính thống các nguồn tài chính qua hệ thống ngân hàng và các nguồn chính thống khác chỉ chiếm khoảng 25%, còn đến 75% vẫn phải đi huy động bạn bè, vay mượn phi chính thống.

Tuy nhiên, bà Thủy cho rằng thời gian tới, DNNVV vẫn có nhiều cơ hội khi mà quan điểm của hệ thống ngân hàng hiện nay thay đổi rất nhiều. Nhiều ngân hàng đã thành lập các bộ phận chuyên phục vụ cho DNNVV, thiết kế các khoản vay phù hợp cho quy mô của DNNVV; Nhiều tổ chức quốc tế có các dự án cho vay tập trung cho các DN đổi mới sáng tạo…

Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những thách thức, hiện nay quy mô vốn bình quân của các DNNVV rất thấp (khoảng 10 – 20 tỷ đồng), việc cân đối để đánh giá năng lực tài chính rất khó; DN không có tài sản thế chấp, cũng cần thời gian nâng cấp hoàn thiện minh bạch hệ thống sổ sách kế toán. Vì vậy, bà Thủy cho rằng hệ thống ngân hàng cũng phải thay đổi quan điểm cho vay DNNVV.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho rằng nên chăng Ngân hàng Nhà nước đề nghị Chính phủ cho phép NHNN áp dụng các điều kiện cho vay đối với DNNVV thấp hơn.

“Tất cả chúng ta làm hết rồi, giãn nợ, hỗ trợ lãi suất 2%. Nhưng hiện thực mặt bằng doanh nghiệp hiện nay ở mức thấp: 60% DN siêu nhỏ, 37 - 38% DNNVV, DN chỉ khoảng 2 - 3%.

Câu chuyện ở đây là muốn giúp DNNVV thì phải đồng hành từ Chính phủ xuống, thông qua NHNN rồi mới đến các NHTM để các ngân hàng không bó buộc về thể chế, tháo gỡ về điều kiện vay cho các ngân hàng để họ có khả năng mở rộng ra như mong muốn của NHNN là tăng 15% cho DNNVV” – ông Thân nói.