Doanh nghiệp muốn ngân hàng “mở hầu bao”, ngân hàng lo an toàn hệ thống

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sự sụp đổ của một vài ngân hàng tại Mỹ khiến lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước lo lắng an toàn hệ thống nếu tăng trưởng dựa quá nhiều vào tín dụng, nhất là tín dụng dài hạn.

Ngân hàng không thiếu vốn

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, địa phương kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có các giải pháp chỉ đạo các ngân hàng thương mại nới room tín dụng, cho phép các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản tiếp cận vốn để tháo gỡ khó khăn.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết bản thân các ngân hàng hiện nay không thiếu vốn, tuy nhiên việc tăng trưởng dựa quá nhiều vào tín dụng sẽ tiềm ẩn rủi ro.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, vấn đề tiếp cận tín dụng là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ quan tâm và có nhiều chỉ đạo.

Về phía NHNN đã thực hiện điều tiết tiền tệ hợp lý, đảm bảo thanh khoản dồi dào, các tổ chức tín dụng sẵn sàng nguồn vốn cho vay, ban hành Thông tư cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

Tuy nhiên, tính đến ngày 25/4, tín dụng mới tăng 2,75% so với cuối năm 2022. Tín dụng tăng chậm trong bối cảnh room tín dụng dư thừa, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, theo Thống đốc là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do: Các doanh nghiệp không có đầu ra, đơn hàng giảm nên nhu cầu và vốn giảm, có những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng do suy yếu trong thời gian chịu tác động bởi Covid-19 nên không đủ điều kiện vay vốn;

Tín dụng bất động sản gặp khó khăn chủ yếu do yếu tố pháp lý nên tăng không cao như thời gian trước đây (tín dụng bất động sản tăng 3,51%).

Ngân hàng không thiếu tiền nhưng cầu tín dụng đang ở mức thấp do nhiều doanh nghiệp suy yếu

Ngân hàng không thiếu tiền nhưng cầu tín dụng đang ở mức thấp do nhiều doanh nghiệp suy yếu

Đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, NHNN đã có văn bản hướng dẫn các ngân hàng, 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã chuẩn bị vốn để sẵn sàng cho vay khi các địa phương công bố các dự án (Bộ Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn các địa phương về tiêu chí, điều kiện để xác định dự án).

Rủi ro nếu ngân hàng tập trung vào tín dụng dài hạn

Riêng với tín dụng bất động sản, Thống đốc cho rằng khó khăn pháp lý là chủ yếu và phải được giải quyết thì các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ mới phát huy, doanh nghiệp mới chứng minh được có dòng tiền trả nợ theo kỳ hạn mới.

Thực tế những năm qua, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản thường cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế - ngay cả trong quý I/2023 khi tín dụng tăng trưởng chậm.

“Việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, dự án bất động sản hoàn toàn do các tổ chức tín dụng quyết định trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng. Những tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng không chạm trần tăng trưởng tín dụng” – Thống đốc khẳng định.

Tuy nhiên, với đặc thù tín dụng bất động sản thường có kỳ hạn dài, số tiền lớn nên khi cấp tín dụng, các tổ chức tín dụng phải cân đối trên cơ sở thực tế huy động vốn và cân đối sử dụng vốn để đảm bảo cấp tín dụng nhưng vẫn đảm bảo thanh khoản, sẵn sàng chi trả cho người gửi tiền.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, với tính chất dài hạn, nguồn vốn cho doanh nghiệp, dự án kinh doanh bất động sản ngoài vốn tín dụng, cần tăng cường huy động từ các nguồn vốn khác như FDI, trái phiếu doanh nghiệp (đây là những vấn đề Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang tập trung chỉ đạo để phát triển lành mạnh, bền vững).

Việc thúc đẩy tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cần hài hòa với mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Thời gian qua, tín dụng tăng chậm không chỉ ở Việt Nam; khi các ngân hàng Mỹ sụp đổ, lan sang châu Âu, các ngân hàng tại nhiều quốc gia cũng thận trọng hơn khi cho vay, để đảm bảo thanh khoản, sẵn sàng chi trả cho người gửi tiền.

Theo đánh giá của một số nhà phân tích, sự sụp đổ của SVB và First Republic Bank - hai ngân hàng Mỹ có quy mô tổng tài sản trên 200 tỷ USD - không phải do thua lỗ. Hai ngân hàng này đã có lãi ít nhất trong 53 quý liên tục kể từ năm 2010 đến nay, với nợ xấu thấp dưới 0,2%, giá trị trích lập dự phòng rủi ro gấp 4,6 lần quy mô nợ xấu).

Nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ chính là các ngân hàng này đầu tư vào các tài sản kỳ hạn dài, dễ mất giá trong môi trường lãi suất tăng.

Bởi vậy, đối với trường hợp của Việt Nam, không nên dựa quá nhiều vào tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là tín dụng dài hạn, mà thay vào đó, để thúc đẩy tăng trưởng cần thúc đẩy đầu tư công và các nguồn vốn khác để đảm bảo hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế vĩ mô, tiền tệ.