Người dân, doanh nghiệp khó khăn nhưng ngân hàng vẫn lãi lớn, NHNN nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mặc dù lợi nhuận các ngân hàng cao nhưng lãi phải thu và nợ xấu tiềm ẩn ở mức cao, các ngân hàng cũng phải thực hiện trích lập dự phòng đối với các khoản nợ cơ cấu theo lộ trình.

Lãi dự thu tăng mạnh

Trong báo cáo mới đây gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước đã lý giải thực trạng các ngân hàng thương mại đạt lợi nhuận cao trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, lãi suất ở mức cao.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặc dù lợi nhuận các ngân hàng cao nhưng lãi phải thu và nợ xấu tiềm ẩn ở mức cao.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cho biết, chênh lệch thu nhập - chi phí của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) có xu hướng tăng trong thời gian qua . Tuy nhiên, tốc độ tăng của chênh lệch thu nhập - chi phí thấp hơn tốc độ tăng của tổng tài sản và vốn chủ sở hữu nên ROA (lợi nhuận ròng/tổng tài sản) và ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) của hệ thống các TCTD giảm so với năm 2021, đạt mức lần lượt là 1,13% và 14,67% tại thời điểm tháng 12/2022.

Về cơ cấu thu nhập của các TCTD, thu nhập từ hoạt động tín dụng đóng góp chính vào tổng thu nhập của các TCTD (chiếm 79,6% tổng thu nhập).

Nguồn thu từ các hoạt động phi tín dụng ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của hệ thống các TCTD. Theo đó, tỷ trọng của thu nhập từ hoạt động phi tín dụng so với tổng thu nhập toàn hệ thống có xu hướng tăng dần trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, lãi phải thu từ hoạt động tín dụng cuối năm 2022 tăng 21,4% so với cuối năm 2021, có thể ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh thực tế của các ngân hàng thương mại trong trường hợp các khoản lãi phải thu từ hoạt động tín dụng không thu được theo kế hoạch.

Đồng thời, các khoản nợ xấu tiềm ẩn vẫn ở mức cao, các TCTD phải thực hiện trích lập dự phòng đối với các khoản nợ cơ cấu theo lộ trình quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-NHNN có thể sẽ làm giảm lợi nhuận tại một số TCTD.

Lợi nhuận ngân hàng cao nhưng lãi dự thu và nợ xấu cũng tăng mạnh

Lợi nhuận ngân hàng cao nhưng lãi dự thu và nợ xấu cũng tăng mạnh

Nợ xấu tiềm ẩn lên đến 5% tổng dư nợ

Trên thực tế, nhìn vào kết quả kinh doanh quý I của các nhà băng, có thể thấy đi cùng với lợi nhuận tăng thì nợ xấu, nợ dưới chuẩn cũng tăng cao.

Chẳng hạn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lãi trước thuế trong 3 tháng đầu năm nay đạt gần 6.920 tỷ đồng, tăng hơn 53% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số nợ xấu của BIDV cũng tăng hơn 40% so với cuối năm 2022, lên 24.728 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng tăng từ 1,1% lên 1,55%.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đạt lợi nhuận trước thuế quý I/2023 là 6.512 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước nhưng dư nợ xấu tăng tới 68% trong quý đầu năm nay lên gần 8.453 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tại nhà băng này theo đó cũng tăng lên gần 1,76% so với mức chỉ hơn 1% của cuối năm vừa qua.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) lãi trước thuế hợp nhất gần 5.157 tỷ đồng, tăng 25,3% so với cùng kỳ 2022. Tuy nhiên, nợ xấu của ngân hàng cũng tăng mạnh 31,5% lên 4.000 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,74% cuối năm 2022 lên 0,97% vào cuối quý I/2023.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) báo lãi trước thuế tăng 7,6% so với cùng kỳ, đạt 870,7 tỷ đồng, nhưng cùng với đó, số dư nợ xấu của ngân hàng cũng tăng gần 30% so với đầu năm, lên 3.047 tỷ đồng.

Hay Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) lãi trước thuế hơn 983 tỷ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước song nợ xấu cũng tăng gần 50% so với cuối năm 2022 lên gần 4.000 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,2% lên 3,3%...

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 02/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống là 2,91% (tăng so với mức 2,46% vào cuối năm 2016; mức 1,49% vào cuối năm 2021 và mức 2,0% vào cuối năm 2022).

Mặc dù theo báo cáo của các TCTD, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức dưới 3%, tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá, NHNN nhận thấy có một số khoản chưa phải là nợ xấu theo quy định của pháp luật hiện hành nhưng có nguy cơ chuyển nợ xấu (như các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...).

Do đó, cơ quan quản lý cho rằng cần ghi nhận những khoản này để có giải pháp quản lý, xử lý nhằm ngăn ngừa nguy cơ chuyển nợ xấu trong tương lai. Trên nguyên tắc đó, NHNN xác định tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các TCTD đến cuối tháng 02/2023 ước chiếm tỷ lệ 5% so với tổng dư nợ.