Doanh nghiệp khóc – cười với tỷ giá

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Điều hành tỷ giá trong bối cảnh hiện nay là rất khó khăn khi áp lực bên ngoài rất lớn, trong khi Việt Nam là nền kinh tế mở, các doanh nghiệp rất nhạy cảm với biến động tỷ giá.

Tác động trái chiều

Việt Nam là một nền kinh tế mở, do đó, biến động tỷ giá ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu và có nợ nước ngoài.

Trong đó, với doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu mạnh thì việc tỷ giá giảm ít sẽ gây nhiều bất lợi trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều nước đang có chính sách đang giảm giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu.

Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam, trong 2 năm 2022, 2023, sau đại dịch Covid-19 và trở lại phục hồi, các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ đều có xu thế kích thích xuất khẩu thông qua việc giảm giá đồng nội tệ.

Trong đó, nước giảm giá đồng tiền tệ nhiều nhất là Thổ Nhĩ Kỳ (giảm 50%); thứ hai là Bangladesh giảm 21% trong 2 năm, Trung Quốc giảm 11%, trong khi Việt Nam chỉ giảm khoảng hơn 3%.

“Đứng riêng về tương quan tỷ giá hối đoái, 2 năm 2022, 2023, hàng dệt may của Việt Nam nói chung đã đắt so với các quốc gia trong top 5 cỡ khoảng 15%. Nó cũng là một trong những nguyên nhân 2 năm qua ngành xuất khẩu dệt may giảm đến 10%, và là nước giảm nhiều nhất trong 5 nước xuất khẩu dệt may” – lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết.

Ngược lại, đối với các doanh nghiệp nhập khẩu hoặc có dư nợ ngoại tệ lớn thì việc ổn định tỷ giá là rất quan trọng. Theo ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, hiện nay, dư nợ vay ngoại tệ của PVN là 38.000 tỷ, tương đương khoảng 1,5 tỷ USD, do đó, biến động và rủi ro tỷ giá ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn.

“Rất mừng là thời gian qua, NHNN đã điều hành ổn định, giúp doanh nghiệp giảm thiểu ảnh hưởng của biến động tỷ giá. Chúng tôi rất mong trong thời gian tới, NHNN sẽ có các giải pháp để giữ cho tỷ giá ổn định” – ông Hùng nói.

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu rất nhạy cảm với biến động tỷ giá

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu rất nhạy cảm với biến động tỷ giá

Tương tự, lãnh đạo Vietnam Airlines cũng cho rằng đối với doanh nghiệp này, tỷ giá tăng 1% cũng khiến doanh nghiệp mất tới 300 tỷ đồng. “Nếu tăng 5% thì chi phí chúng tôi một năm tăng lên 1.500 tỷ đồng, do đó, Vietnam Airlines rất mong muốn tỷ giá ổn định ở mức thấp nhất có thể” – ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines kiến nghị.

Nỗ lực giảm áp lực tỷ giá

Hiện tỷ giá VNĐ/USD đang chịu khá nhiều áp lực trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ chưa giảm lãi suất trước tháng 6 và tốc độ giảm cũng có thể chậm hơn kỳ vọng của thị trường trước đó. Do đó, việc điều hành tỷ giá là bài toán không dễ.

Ghi nhận trong tuần qua, nhà điều hành đã có động thái khởi động lại kênh hút tiền qua tín phiếu để phần nào hỗ trợ tỷ giá, sau 4 tháng không sử dụng đến nghiệp vụ này.

Tính đến hết ngày 14/3, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục 4 phiên phát hành tín phiếu, với lượng tiền hút về mỗi phiên xấp xỉ 15.000 tỷ đồng, qua đó, hút về tổng cộng gần 45.000 tỷ đồng với kỳ hạn 28 ngày và lãi suất 1,4%/năm.

NHNN hút tiền qua kênh tín phiếu trong bối cảnh thanh khoản ngắn hạn VNĐ của hệ thống ngân hàng đang dư thừa khi tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm vẫn âm, lãi suất liên ngân hàng xuống thấp đang gây áp lực lên tỷ giá.

Theo các chuyên gia, việc giảm dư thừa thanh khoản sẽ giúp lãi suất liên ngân hàng tăng, giảm chênh lệch so với lãi suất đồng USD, qua đó hỗ trợ ổn định tỷ giá. Theo quan sát, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng đã rục rịch nhích tăng. So với ngày 11/3, lãi suất kỳ hạn qua đêm đã tăng gần gấp đôi, từ mức 0,76%/năm lên 1,47%/năm.

Các kỳ hạn 1 tuần, 1 tháng cũng nhích nhẹ, từ mức lần lượt là 1,29%/năm và 1,45%/năm lên 1,68%/năm và 2,01%/năm…

Đối với tỷ giá đồng USD, sáng nay, Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá trung tâm thêm 12 đồng, niêm yết mức 23.979 VNĐ/USD. Trong tuần qua, tỷ giá trung tâm có 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, song chốt tuần với mức giảm 17 đồng so với cuối tuần liền trước.

Tại các ngân hàng, Vietcombank sáng nay niêm yết giá giao dịch đồng USD ở mức 24.570 – 24.910 VNĐ/USD, tăng 40 đồng so với phiên hôm qua. Tính chung tuần, tỷ giá tại ngân hàng này đã tăng 70 đồng.

Trong khi đó, thị trường tự do, sau những phiên tăng nóng cuối tuần trước thì tuần này đồng USD có diễn biến giằng co, phiên tăng, phiên giảm và hiện đang được giao dịch quanh 25.480 – 25.560 VNĐ/USD. Đồng USD trên thị trường này đã phần nào hạ nhiệt so với mức đỉnh 25.800 đồng đạt được cuối tuần trước.

Theo chuyên gia kinh tế, áp lực tỷ giá thời gian tới vẫn rất lớn. Do đó, cùng với việc điều hành của NHNN thì để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, doanh nghiệp có thể sử dụng những công cụ tài chính phái sinh như mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (SWAP).

Qua đó, các nhà nhập khẩu có thể chủ động được giá USD do tỷ giá đã được xác định trong hợp đồng khi ký kết…