Doanh nghiệp hỏa tốc kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa có công văn khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ, đ ề xuất một số giải pháp cấp bách nhằm  hỗ trợ doanh nghiệp, hạn chế sự đứt gãy chuỗi  sản xuất, cung ứng trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Doanh nghiệp kiến nghị nên xem xét kỹ trước khi thực hiện "3 tại chỗ"

Doanh nghiệp kiến nghị nên xem xét kỹ trước khi thực hiện "3 tại chỗ"

Chỉ nên áp dụng “3 tại chỗ” tại nơi dịch bệnh còn kiểm soát được

Tại văn bản này, Ban IV cho biết, thời gian qua, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, giao các Bộ, địa phương ban hành các hướng dẫn, giải pháp để đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch vừa duy trì, phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, quá trình triển khai một số nhóm giải pháp hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, khiến nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị tê liệt, đình trệ, đẩy hàng loạt doanh nghiệp ở nhiều ngành, lĩnh vực vào tình trạng đã hoặc sẽ phải đóng cửa, dừng hoạt động; không đủ năng lực duy trì lương cho hàng triệu lao động, thậm chí nguy cơ cao mất thị trường vào tay các nước đối thủ.

Trước thực tiễn cấp bách này, Ban IV cùng các Hiệp hội doanh nghiệp khẩn thiết đề xuất với Thủ tướng 3 nhóm vấn đề chính.

Một là, về việc áp dụng mô hình “3 tại chỗ”. Doanh nghiệp cho rằng, mặc dù đây là mô hình tiến bộ, một số địa phương như: Bắc Giang, Bắc Ninh đã áp dụng thành công nhưng doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam lại không hiệu quả.

Do đó, Ban IV và đại diện các hiệp hội ngành hàng kiến nghị Thủ tướng chỉ nên áp dụng mô hình “3 tại chỗ” ở các địa phương mà tình hình dịch bệnh vẫn ở diện kiểm soát được.

“Như TP HCM và các tỉnh phía Nam, với mức độ lây lan dịch bệnh trong thời gian dài, mầm bệnh ủ ở nhiều khu vực và trên nhiều người lao động thì các nhà máy “3 tại chỗ” dù tổ chức xét nghiệm nghiêm túc trước khi tiến hành vẫn khiến doanh nghiệp gặp rủi ro, khả năng bùng phát bệnh là rất cao”- bản kiến nghị nêu.

Đi kèm với việc thực hiện “3 tại chỗ”, phía doanh nghiệp cho rằng, quy trình phối hợp công - tư chặt chẽ và một quy trình giám sát nghiêm túc trong quá trình triển khai để phát hiện và ứng phó sớm với mọi vấn đề phát sinh là hết sức cần thiết.

Điều này giúp địa phương tính toán được nhu cầu y tế và các điều kiện cần thiết khác duy trì cho chống dịch; đồng thời giúp doanh nghiệp có thể yên tâm vận hành công việc và không bị rơi vào những tình cảnh quá khủng hoảng như tình trạng một số nhà máy trở thành “chùm F0” như tại phía Nam trong mấy ngày qua.

Bên cạnh đó, các địa phương yêu cầu doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” cần phải xây dựng và công bố công khai các phương án y tế, quy trình xử lý nhanh chóng trong trường hợp có F0 tại nhà máy “3 tại chỗ” và phổ biến trước, thảo luận trước với doanh nghiệp để phối hợp mọi nguồn lực ứng phó khi thực tiễn phát sinh;

Hạn chế tối đa các tình huống doanh nghiệp báo nghi ngờ phát dịch thì hoặc chính quyền chậm trễ kiểm tra, hoặc kiểm tra xong chỉ yêu cầu phong tỏa toàn bộ hàng trăm, hàng nghìn lao động tại một chỗ khiến dịch lan cấp số nhân trong nhà máy, khiến cơ hội xử trí, khắc phục càng trở nên khó khăn hơn.

Đối với những tỉnh phía Nam hiện đã xuất hiện các nhà máy “3 tại chỗ” có nhân viên, người lao động phát hiện là F0, đề xuất Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì họp khẩn cấp với các tỉnh, có thể mời đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội tham gia để đánh giá tình hình, bàn bạc thấu đáo các giải pháp nhằm tìm ra phương án có khả năng giảm thiểu thiệt hại lớn nhất cho cả địa phương và doanh nghiệp.

Đề xuất tháo gỡ khó khăn về vận chuyển hàng hóa

Vấn đề thứ hai mà Ban IV kiến nghị Thủ tướng Chính phủ là về việc đảm bảo các chuỗi vận tải hàng hóa và xuất, nhập khẩu.

Tình trạng lộn xộn, đứt gãy vận tải hàng hóa đã được nhiều doanh nghiệp, hiệp hội, báo đài phản ánh liên tục thời gian qua, một phần xuất phát từ cách làm, cách hiểu và diễn giải các quy định phòng chống dịch hết sức khác nhau ở các địa phương.

Mới đây, ngày 29-7, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có văn bản số 5187/VPCP-CN tháo gỡ nhiều khúc mắc lớn liên quan tới tình trạng này.

Tuy nhiên, chuỗi tiêu dùng và chuỗi xuất, nhập khẩu còn liên quan tới hoạt động của nhiều bộ phận khác.

Vì thế, Ban IV và các hiệp hội xin kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo hoặc giao đầu mối các Bộ ngành, địa phương, rà soát và áp dụng quy định, điều kiện đi lại thống nhất cho các nhóm nhân sự chuyên làm thủ tục xuất nhập khẩu, nhân viên cảng, nhân viên bốc xếp ... tương tự như nhóm vận chuyển hàng trong nội thành (shipper) giờ đã được tính toán các biện pháp quản lý để đi lại thực hiện công việc mà vẫn đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.

Ngoài ra, Ban IV cũng đề xuất Thủ tướng xem xét, đánh giá kĩ “quy trình vận tải an toàn - lái xe không tiếp xúc” mà Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logisitcs Việt Nam, Hiệp hội Ô tô - Vận tải Việt Nam đã kiến nghị, bởi việc sử dụng kết quả xét nghiệm sàng lọc covid (gồm cả kết quả xét nghiệm nhanh hay xét nghiệm PCR) như là giấy thông hành hiện nay, theo ý kiến nhiều chuyên gia y tế, là chưa đúng với bản chất ý nghĩa của việc xét nghiệm, và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tại văn bản này, đại diện của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân cũng khiến nghị Thủ tướng về việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và một số biện pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, đảm bảo mục tiêu kép trong đại dịch như: thủ tục hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương, quy định về số giờ làm thêm của người lao động trong 1 tháng, chính sách tiêm vaccine cho doanh nghiệp…

Cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đề xuất Thủ tướng quan tâm đặc biệt tới chiến dịch “selftest - tự mua dụng cụ để chủ động xét nghiệm” mà Mỹ và các quốc gia Châu Âu đã áp dụng; nhằm giúp doanh nghiệp và cả xã hội có thể tiết kiệm khoản chi phí cực lớn so với hình thức xét nghiệm dịch vụ (thậm chí độc quyền bởi các trung tâm y tế tại một số địa bàn) như hiện nay; Đồng thời cũng giúp người lao động tránh được các rủi ro lây lan dịch bệnh khi thường xuyên phải xếp hàng trong các đám đông đăng ký xét nghiệm, kiểm tra giấy kết quả xét nghiệm...