Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Thị trường thế giới còn rất nhiều tiềm năng để phát triển sản phẩm công nghệ số khi gần 4 tỷ người chưa có Internet. Đây là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam “đi ra thế giới”.
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng các thứ trưởng tại hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới”

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng các thứ trưởng tại hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới”

Sáng 23-2, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới”. Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phan Tâm cho biết, năm 2023, Bộ TT&TT đặt trọng tâm làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội công nghệ số Việt Nam, các cơ quan đại diện ngoại giao, đại diện đầu tư - thương mại các nước nhằm thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới.

Theo Thứ trưởng Phan Tâm, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, mang sản phẩm dịch vụ số Make in Vietnam ra nước ngoài, giải bài toán về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của các nước, trở thành những tập đoàn, doanh nghiệp số toàn cầu.

Nói về tiềm năng của thị trường nước ngoài, đại diện Bộ TT-TT cho biết, theo thống kê của Liên minh Viễn thông quốc tế - ITU, thế giới vẫn còn gần 4 tỷ người, tương đương 49% dân số chưa được kết nối Internet, chưa được tiếp cận với các dịch vụ công nghệ số. Đây chính là thời cơ, cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam mở rộng thị trường.

Chia sẻ về dấu ấn Việt Nam trên bản đồ toàn cầu, ông Trương Gia Bình- Chủ tịch Tập đoàn FPT cho hay, từ bước chân đầu tiên của FPT đến Ấn Độ cách đây hơn hai thập kỷ đến nay, FPT đã hiện diện tại 29 quốc gia. Doanh số tại thị trường nước ngoài đạt 1 tỷ USD, tăng gấp 25.000 lần, với quy mô nhân lực là 27.000 người, tăng 900 lần.

Ông Tào Đức Thắng- Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) cho biết, Viettel bắt đầu ra nước ngoài từ năm 2006 và đến nay, Viettel đã chinh phục được 10 thị trường với doanh thu dịch vụ đầu tư nước ngoài đạt gần 3 tỷ USD.

“Doanh nghiệp luôn phải tìm hiểu, nghiên cứu để hiểu sâu sắc về văn hóa, con người, hệ thống chính trị của các nước đầu tư; luôn thượng tôn pháp luật; phải có giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, mang những thứ tốt nhất mình có ra nước ngoài cũng như phải tạo sự khác biệt để cạnh tranh”- ông Tào Đức Thắng chia sẻ .

Ông Pavel Poskakukhin, đồng Chủ tịch Tiểu ban Kỹ thuật số thuộc Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá, với dân số trẻ và am hiểu công nghệ, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có nhiều cơ hội tại thị trường châu Âu, đặc biệt là cung cấp giải pháp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, fintech…

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa- Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp ICT (Bộ TT-TT) khẳng định: Thị trường công nghệ thế giới có rất nhiều cơ hội. Trong khi đó, quy mô thị trường của Việt Nam quá nhỏ hẹp khi so sánh với quy mô nhân lực dịch vụ CNTT hiện nay cũng như tương lai.

Bộ TT-TT sẽ định hướng cho doanh nghiệp “đi cùng nhau”, doanh nghiệp tiên phong sẽ chia sẻ những bài học quý giá, mở hướng cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước tự tin bước ra thị trường quốc tế.