Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục “mất hút” trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không có doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu trong nửa đầu tháng 5. Như vậy, kể từ tháng 4 đến nay, sau sự kiện Tân Hoàng Minh trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đã “khựng” lại.

Số liệu của FiinPro cho thấy nửa đầu tháng 5 đã có 6.300 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành ở thị trường trong nước và 525 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế của Tập đoàn Vingroup - Công ty Cổ phần.

Nếu tính riêng phát hành thị trường trong nước, nhóm ngành ngân hàng chiếm phần lớn tỷ trọng phát hành trong nửa đầu tháng 5. Trong đó, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) phát hành khối lượng trái phiếu lớn nhất đạt 2.600 tỷ đồng; tiếp theo là Ngân hàng Shinhan Việt Nam 1.800 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phát hành 1.350 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) phát hành 500 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) phát hành 50 tỷ đồng.

Ngược lại, nhóm bất động sản vẫn “mất hút” trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi không ghi nhận doanh nghiệp nào phát hành thành công trong nửa đầu tháng 5.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng sau sự kiện Tân Hoàng Minh (Ảnh minh họa)

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng sau sự kiện Tân Hoàng Minh (Ảnh minh họa)

Trước đó, trong tháng 4, các doanh nghiệp bất động sản cũng đã “án binh bất động”, lượng phát hành trái phiếu giảm rõ rệt với chỉ 820 tỷ trái phiếu phát hành (so với mức bình quân theo tháng trong năm 2021 là 26.000 tỷ đồng).

Điều này hoàn toàn trái ngược so với nhiều năm trở lại đây, khi các doanh nghiệp địa ốc luôn dẫn đầu thị trường trái phiếu. Trong đó, tháng 3/2022, các doanh nghiệp lĩnh vực này cũng chiếm tới 46,7% tổng giá trị trái phiếu phát hành; tính chung 3 tháng đầu năm chiếm khoảng 43,4%.

Lượng trái phiếu doanh nghiệp giảm mạnh trong tháng sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng của các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Chính Phủ và Bộ Tài chính sau đó đã liên tục đốc thúc các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ hơn việc phát hành cũng như giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.

Cùng với đó thì cơ quan quản lý cũng đang đốc thúc việc siết chặt các quy định pháp lý đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các chuyên gia về Dự thảo sửa đổi lần thứ 5, bổ sung Nghị định 153 với nhiều quy định chặt chẽ khiến doanh nghiệp khó tiếp cận hơn đến kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Theo nhận định định của các chuyên gia của SSI Research, tác động tiêu cực của các sự kiện gần đây đã được nhìn thấy tương đối rõ ràng khi các đợt phát hành trái phiếu, bao gồm cả riêng lẻ và phát hành ra công chúng trong 2 tháng trở lại đây chủ yếu đến từ những doanh nghiệp niêm yết lớn hoặc là các tổ chức tín dụng và định chế tài chính.

Thời gian tới, SSI Reseach cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ kém sôi động hơn ít nhất trong quý 2 trước khi có các chính sách rõ ràng hơn từ Chính phủ.

Còn trong dài hạn, các chuyên gia tại đây nhận định thị trường này sẽ sôi động trở lại vì môi trường lãi suất trong năm 2022 vẫn khá tích cực khi chính sách tiền tệ của Việt Nam đang có độ trễ so với các ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới. Đồng thời, Chính phủ cũng đã nhấn mạnh 2022 và 2023 là hai năm phục hồi kinh tế. Điều này khiến áp lực lên chi phí tài chính khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu là chưa lớn.

Mặt khác số trái phiếu đáo hạn trong 2 năm 2022 - 2023 ước khoảng 540 nghìn tỷ đồng, và chiếm khoảng 36% lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành, dẫn đến nhu cầu phát hành để đảm bảo vòng quay vốn của các doanh nghiệp khá cao. Do vậy, nhu cầu huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp dự kiến vẫn rất dồi dào.

Tương tự, các chuyên gia Chứng khoán VnDirect cũng cho rằng thị trường có thể trầm lắng trong 1-2 quý tới do đang chờ đợi những thay đổi về mặt chính sách, pháp lý được cơ quan quản lý Nhà nước ban hành trong thời gian tới; các doanh nghiệp phát hành, tổ chức tư vấn, bảo lãnh phát hành, nhà đầu tư tổ chức (ngân hàng, công ty bảo hiểm), cần thời gian để thích ứng với những thay đổi mới về mặt chính sách, pháp lý khi các Thông tư, Nghị định mới đi vào hiệu lực.

Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân cần thêm thời gian để ổn định tâm lý, suy xét và đánh giá tình hình thị trường trước khi đưa ra quyết định đầu tư.