DN bán lẻ trong nước yếu thế trên “sân nhà”

(ANTĐ) - Nguồn lực tài chính to lớn cùng với sự chuyên nghiệp trong phân phối bán lẻ của các doanh nghiệp nước ngoài đã và đang gây khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam. Sáng 8-3-2011, đại diện các doanh nghiệp bán lẻ lớn trong nước đã cùng nhau chia sẻ những khó khăn này với lãnh đạo Bộ Công Thương.

DN bán lẻ trong nước yếu thế trên “sân nhà”

(ANTĐ) - Nguồn lực tài chính to lớn cùng với sự chuyên nghiệp trong phân phối bán lẻ của các doanh nghiệp nước ngoài đã và đang gây khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam. Sáng 8-3-2011, đại diện các doanh nghiệp bán lẻ lớn trong nước đã cùng nhau chia sẻ những khó khăn này với lãnh đạo Bộ Công Thương.

Doanh nghiệp bán lẻ trong nước gặp khó khăn về mặt bằng kinh doanh
Doanh nghiệp bán lẻ trong nước gặp khó khăn về mặt bằng kinh doanh

“Trong kinh doanh, vị trí đóng vai trò quan trọng” - ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái nhấn mạnh. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay, nhiều địa phương đang “trải thảm đỏ” với các doanh nghiệp nước ngoài. Những địa điểm nào đẹp doanh nghiệp nước ngoài đều được ưu ái nên doanh nghiệp trong nước khó có thể phát triển. Đồng tình với nhận định này, đại diện Hapro cho biết: “Các doanh nghiệp trong nước muốn tập trung vào hạ tầng bán lẻ nhưng vướng nhất hiện nay vẫn là đất đai. Đến địa phương nào cũng phải chấp nhận thuê lại những phần đất thừa còn lại của các doanh nghiệp tư nhân, mà đất này đã được cấp để xây các khu đô thị”.

Mặc dù mở cửa thị trường bán lẻ một cách “từ từ” theo cam kết gia nhập WTO nhưng đến nay, Metro hiện đã có 15 điểm bán lẻ tại Việt Nam. Tương tự, BigC có tới 11 điểm, Parkson được cấp phép 4 điểm, Lotte có 2 điểm tại thành phố Hồ Chí Minh… Tuy nhiên, có một số nhà bán lẻ nước ngoài đã thu hẹp phạm vi kinh doanh tại Việt Nam như một nhà bán lẻ Singapore lúc đầu mua lại 7 điểm của Citimart nhưng hiện nay chỉ còn lại 3 điểm. Chuỗi siêu thị của Unimart trước có 1 điểm, giờ đã nhượng lại cho Hapro…

Có một thực tế là các doanh nghiệp trong nước so với các doanh nghiệp nước ngoài yếu hơn về tiềm lực tài chính nên khó chiếm được vị trí đẹp. Tuy nhiên, cũng có nguyên nhân khách quan từ việc cấp phép đầu tư được phân cấp về các tỉnh. Bởi vậy, ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam đề nghị: “Cần chuyển vai trò cấp phép đầu tư bán lẻ cho Sở Công Thương các tỉnh. Đồng thời, rà soát lại các dự án bán lẻ đã được cấp phép tại các địa phương để đảm bảo việc đầu tư khai thác hiệu quả”.

Bên cạnh khó khăn về mặt bằng, các doanh nghiệp bán lẻ còn gặp nhiều vướng mắc trong các hoạt động khác. Ví dụ, trình độ nhân lực, tiền lương, cạnh tranh về giá… Bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng giám đốc Hệ thống siêu thị Fivimart cho hay: “Nhân sự là vấn đề nổi cộm của Fivimart. Gần như Fivimart là cái nôi đào tạo nhân lực cho các hệ thống khác. Fivimart có hơn 1.000 nhân viên, nếu chỉ cần tăng lương 100.000 đồng/người/tháng thì mỗi tháng, quỹ lương đội thêm 100 triệu đồng. Doanh nghiệp không biết lấy gì để bù”. Nhưng sau khi được đào tạo, các lao động này lại lập tức “nhảy việc” sang nhà bán lẻ khác trả lương cao hơn. Nếu tăng lương cho lao động, phần phụ trội có thể được tính vào giá hàng hoá. Khi ấy, doanh nghiệp trong nước lại phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài về giá - cuộc cạnh tranh này cũng rất khốc liệt. Có ý kiến cho rằng, để có hệ thống phân phối tốt, doanh nghiệp phải có bề dày lịch sử. Thế nên, doanh nghiệp Việt dù có nhiều nỗ lực nhưng vẫn “lực bất tòng tâm”.

Sự trợ giúp của cơ quan chức năng là rất cần thiết trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác lợi thế “sân nhà”, mở rộng hệ thống phân phối bán lẻ và đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 

Vân Hằng