Định giá ở mức rất cao so với các nước trong khu vực, cổ phiếu ngân hàng có còn dư địa tăng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau giai đoạn tăng “nóng” trong một thời gian dài kể từ tháng 4/2020, cổ phiếu ngành ngân hàng tại Việt Nam đang ở mức cao so với các nước trong khu vực.

Đây là đánh giá được Chứng khoán MB (MBS) đưa ra trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới đây.

Định giá ngân hàng Việt Nam ở mức rất cao

MBS cho biết vốn hóa nhóm ngành ngân hàng đã có mức tăng trưởng ổn định trong thời kỳ từ năm 2016 đến 2019 trước khi bắt đầu tăng mạnh từ tháng 4/2020 theo xu hướng thị trường và đạt đỉnh vào tháng 6/2021.

Trong tháng 11/2021, cổ phiếu dòng ngân hàng đã tăng trở lại sau một đợt giảm và tích lũy đi ngang, kéo tổng vốn hóa nhóm ngành ngân hàng lên hơn 1,865 triệu tỷ đồng.

Theo MBS, định giá toàn ngành ngân hàng đạt đỉnh lịch sử vào tháng 4/2018 với mức P/B (giá/giá trị sổ sách) toàn ngành lên đến 3,42 lần trước khi giảm mạnh về khoảng 2,41 lần chỉ trong một tháng. Trong khi đó, trước thời điểm nhóm ngành ngân hàng bước vào sóng tăng mạnh từ tháng 4/2020, P/B toàn ngành đang ở mức rất hấp dẫn là 1,29 lần.

Hiện tại P/B trung bình của ngành đã đạt 2,26 lần, cao hơn so với mức trung bình của giai đoạn 2016 - 2021 là 1,93 lần. Tuy nhiên, theo MBS, dư địa tăng đối với nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn còn lớn, đặc biệt khi VN-Index tiếp tục tiến tới những đỉnh cao mới và vốn hóa ngành này vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất thị trường, sự tăng trưởng vốn hóa của thị trường gắn liền mật thiết với tăng trưởng vốn hóa của ngành ngân hàng.

So với mức định giá ngành ngân hàng của các nước khu vực châu Á, định giá ngành ngân hàng tại Việt Nam cũng được đánh giá đang ở mức khá cao so với các nước khác.

Cụ thể, P/B ở mức 2,26 lần, cao hơn nhiều so với Indonesia (0,9 lần), Thái Lan (0,7 lần), Singapore (1,1 lần), Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản (cùng 0,4 lần)…

Nhờ hoạt động tăng vốn, tỷ lệ định giá ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ quay về mức hấp dẫn hơn

Nhờ hoạt động tăng vốn, tỷ lệ định giá ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ quay về mức hấp dẫn hơn

Ngoài ra, chỉ số P/E (giá cổ phiếu/thu nhập cổ phiếu) của các ngân hàng Việt Nam cũng ở mức rất cao là 13,02 lần, so với Indonesia (11,9 lần), Singapore (11,8 lần), Thái Lan (9,3 lần). Thậm chí P/E nhóm ngành ngân hàng Việt Nam còn gấp nhiều lần so với Trung Quốc (4,7 lần) hay Hàn Quốc (3,9 lần), Nhật Bản (6,9 lần).

Tuy nhiên, với những tin tích cực về hoạt động tăng vốn của các ngân hàng thương mại trong thời gian tới, MBS tin rằng tỷ lệ định giá toàn ngành sẽ được cải thiện và quay về mức hấp dẫn hơn.

“Cuộc đua” tăng vốn còn tiếp tục mạnh mẽ

Theo MBS, với quy định của nhà nước về tỷ lệ vốn an toàn (CAR), các ngân hàng hiện đang liên tục thực hiện các biện pháp nhằm tăng vốn điều lệ. Điều này khiến cho cuộc đua tăng vốn điều lệ ngân hàng trở nên hấp dẫn và có sự thay đổi nhanh chóng trong năm 2021.

Trong năm 2020, hệ thống ngân hàng đã được bổ sung thêm hơn 33.000 tỷ đồng vốn điều lệ. Theo đó đến cuối năm 2020, đã có 18 ngân hàng ghi nhận vốn điều lệ đạt trên 10.000 tỷ đồng, nhiều ngân hàng nhỏ vẫn đang chật vật tăng vốn, hiện có gần 10 ngân hàng vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng.

Năm 2021, nhiều ngân hàng đều có kế hoạch tăng vốn điều lệ “khủng”. Trong đó, Vietinbank là ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ với 48.058 tỷ đồng, tiếp sau là BIDV, Vietcombank, Techcombank, Agribank, MB Bank, VPBank…

Chậm nhất đến ngày 1/1/2023, các ngân hàng phải thực hiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II được quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Tính đến nay đã có 16/35 ngân hàng đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41.

Không chỉ để đáp ứng yêu cầu về an toàn vốn, việc tăng vốn cũng góp phần tăng cường năng lực tài chính cho các ngân hàng, gia tăng nguồn vốn trung dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh khi mà tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn được siết chặt lại theo lộ trình tại Thông tư 08/2020/TT-NHNN ngày 14/8/2020 của Ngân hàng nhà nước.

Theo đó, cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng sẽ chưa dừng lại và còn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022 để các ngân hàng tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng lực tài chính, cải thiện chất lượng tài sản về chất, tăng khả năng sinh lời gắn liền với quản trị rủi ro.