Điều kỳ diệu từ nấm

(ANTĐ) - Ngôi nhà 44A Tràng Thi trưng biển Công ty TNHH Nấm linh chi thoạt nhìn thoáng qua cũng chẳng có gì đặc biệt nếu người ta không chủ tâm đi tìm. Nhưng trong ngôi nhà nhỏ ấy, một người phụ nữ đã dành gần hết cuộc đời mình cho công nghệ sinh học, nghiên cứu những sản phẩm vì sức khỏe con người.

Điều kỳ diệu từ nấm

(ANTĐ) - Ngôi nhà 44A Tràng Thi trưng biển Công ty TNHH Nấm linh chi thoạt nhìn thoáng qua cũng chẳng có gì đặc biệt nếu người ta không chủ tâm đi tìm. Nhưng trong ngôi nhà nhỏ ấy, một người phụ nữ đã dành gần hết cuộc đời mình cho công nghệ sinh học, nghiên cứu những sản phẩm vì sức khỏe con người.

PGS.TS Nguyễn Thị Chính
PGS.TS Nguyễn Thị Chính

Chân dung “Bà chúa nấm”

Cái tên này của PGS.TS Nguyễn Thị Chính đã được biết đến từ năm 2002 khi bà bắt đầu điều trị thành công khống chế được căn bệnh ung thư từ các loại nấm dược liệu. Năm 1966, cô nữ sinh Bí thư chi đoàn trường phổ thông Đoàn Kết đủ điểm để đi học nước ngoài với chuyên ngành Y khoa. Cơ duyên đã đưa bà đến với nấm, một loại vi sinh vật bổ dưỡng mà người Việt Nam thời điểm đó chưa bao giờ nghĩ là nó tốt cho sức khỏe.

Hỏi bà vì sao lại nghiên cứu về nấm, đặc biệt là điều trị bệnh, bà trả lời vì bà muốn những xác định giữa cái đúng và cái sai cần phải được làm sáng tỏ, thấy mình cần phải đi vào con đường này, để giúp cho bệnh nhân một cách tốt hơn. Bản thân bà khi đi học ở nước ngoài sức khỏe cũng không tốt, hầu như năm nào cũng phải vào bệnh viện, đã từng mổ 2 lần. Trong những năm tháng học tập ở nước ngoài, bà luôn bị xoay quanh vấn đề nan giải là bệnh tật mặc dù ở nhà, bà là vận động viên cấp một trường phổ thông Đoàn Kết. Bắn súng đứng vị trí thứ Nhì của Hà Nội, ném lựu đạn thì không ai ném bằng.

Và để đi tìm câu trả lời cho cái đúng và cái sai, bà bắt đầu nghiên cứu về nấm từ năm 1975, lần đầu tiên ứng dụng cho Công ty Thực phẩm Hà Nội. Nhưng khi đó nghề trồng nấm mới chỉ manh nha và không ai hiểu về nấm, phải kèm với thịt thì mới có người mua. Rồi đồng nghiệp phản đối, cho rằng chỉ nên làm dấm, chất được chuyển hóa từ đường, rượu. Nhưng nấm và dấm khác nhau một trời một vực, nấm giá trị hơn nhiều so với dấm nên bà vẫn quyết tâm.

Cố Bộ trưởng Bộ Công an Lê Minh Hương đã từng đến nhà để kiểm tra vì nghi ngờ là “hàng cấm” nhưng sau khi biết về nấm lại nhờ bà giúp một số trại giam triển khai công việc trồng nấm như Trại giam Bình Điền, Phong Điền ở Huế để những phạm nhân đang cải tạo tại đây có thêm một nghề sau khi mãn hạn. Rất nhiều cán bộ các trại giam đã đến học nghề làm nấm từ cơ sở của bà. Và khi vận chuyển trên đường, những bao tải giống nấm được kiểm tra một cách kỹ lưỡng như “hàng cấm” nhưng rồi toàn thấy rơm rạ nên người kiểm tra đành cười xòa và... cho đi.

Năm 1993, khi đi dự Hội nghị quốc tế ở Hongkong, 2/3 báo cáo của hội nghị là về nấm linh chi, đồng thời là những hình ảnh in sâu vào tâm trí bà. Có những bệnh nhân 15 năm trời, họ đi khắp nơi không phát hiện ra bệnh, người gầy còm nhưng đến lúc họ sử dụng nấm thì trở nên khỏe mạnh. Sau đó, khi về Việt Nam, PGS.TS trở thành thành viên của Hiệp hội Nấm quốc tế. Và bà quyết định đi sâu vào nấm dược liệu - nấm linh chi và các loại khác để chữa bệnh, còn trước đó, chỉ là nấm ăn mang về từ châu Âu. Hiện nay có rất nhiều chủng nấm dược liệu, trong 3,4 tủ lạnh bà giữ giống đã có đến hàng trăm chủng. Có những loại đã đưa ra trồng và cũng không thiếu giống vẫn nằm trong vòng bí mật, nhưng loại nấm dược liệu chủ chốt đã được đưa ra trồng và sử dụng, như đông trùng hạ thảo, vân chi, linh chi, nấm đầu khỉ, nấm búp, nấm đồng tiền đang là những loại đặc biệt có giá trị trong việc chữa u, tiểu đường, viêm gan B...

Cuộc chiến chống ung thư

Chiến đấu và chiến thắng căn bệnh ung thư là cái đích hướng tới của con người. Những người làm khoa học luôn tìm tòi và nhiều công trình khoa học đã đẩy lùi căn bệnh này vì sức khỏe con người. Sau nhiều năm nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Thị Chính cũng đã có nhiều công trình khoa học nâng cao sức khỏe cộng đồng đặc biệt là các nghiên cứu về phòng chống và điều trị ung thư tại Việt Nam.

Niềm say mê nghiên cứu ứng dụng của cây nấm trong cuộc sống đã mang lại cho PGS.TS Nguyễn Thị Chính những thành công trong phòng ngừa và điều trị bệnh ung thư
Niềm say mê nghiên cứu ứng dụng của cây nấm trong cuộc sống đã mang lại cho PGS.TS Nguyễn Thị Chính những thành công trong phòng ngừa và điều trị bệnh ung thư

4 cuốn sổ to và dày ghi đầy đủ tên tuổi địa chỉ quê quán những người đã đến tìm bà với một hy vọng cuối cùng từ nấm linh chi và các loại nấm bà nghiên cứu thành công sẽ làm giảm tác nhân gây ung thư, thu nhỏ những khối u lớn và tan biến những khối u nhỏ. Chúng tôi tìm thấy trong số những người bà điều trị thành công có anh Lương Hữu Xuân ở Hoành Bồ, Quảng Ninh bị 2 u gan, một khối 3cm và một khối 8cm đã điều trị các loại hết 100 triệu đồng nhưng cuối cùng bệnh viện không thể điều trị và khuyên anh nên về nhà tĩnh dưỡng. Anh tìm đến Công ty Nấm linh chi như một hy vọng cuối cùng và sau 1 tháng điều trị tổng lực bằng các loại nấm dược liệu, khối u 3cm đã biến mất và khối u 8cm thì nhỏ lại ổn định.

Danh sách những người chiến đấu với ung thư còn nối dài với những người như bà Hoàng Thị Hồ 87 tuổi đã sống khỏe mạnh 7 năm nay cùng căn bệnh ung thư hạch chỉ với 2 lần uống linh chi một ngày; bà Nguyễn Thị Xíu năm 2007 phát hiện mình bị ung thư amidan, từ chỗ đau họng không nói được giờ đã là cây văn nghệ của khu phố và tràn đầy niềm tự tin vào cuộc sống rằng mình có thể khắc phục được bệnh tật. Có những người là bác sỹ cũng đã tìm đến bà để điều trị bệnh bằng dược liệu từ cây nấm như ông Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Đa khoa Hà Tây mắc bệnh tiểu đường, ông Nguyễn Quang Mười bác sỹ nghỉ hưu tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, bệnh nhân viêm gan B...

Bà là người đầu tiên ở nước ta sử dụng công nghệ nuôi trồng quả cầu sinh khí linh chi sản xuất sinh khối linh chi dạng sợi. Nó được phân tích từ những thành phần quan trọng như protein, lipit, đường, vitamin, đặc biệt là thành phần pholixatalis đã được thế giới khẳng định có hoạt chất chống u. Bà đã tiến hành sử dụng thí điểm cho các bệnh nhân ung thư sinh khối nấm linh chi, bào tử nấm linh chi phối hợp với các loại nấm khác như nấm vân chi, nấm đồng tiền, nấm đầu khỉ... Sau một thời gian sức khỏe bệnh nhân cải thiện rõ rệt.

Niềm tự hào nữ doanh nhân Hà Nội

Cuộc sống của người phụ nữ làm khoa học cũng phải hy sinh nhiều thứ, đó là thời gian để quan tâm đến gia đình. Hiện nay PGS.TS Nguyễn Thị Chính là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, thường xuyên được mời vào các hội đồng đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về công nghệ sinh học. Hàng ngày bà làm việc ở văn phòng, ngôi nhà 44A Tràng Thi, đến tối mới về ăn cơm cùng gia đình và lại tiếp tục làm việc đến tận khuya, giấc ngủ thường đến vào lúc 12h đêm.

PGS.TS Nguyễn Thị Chính luôn không ngừng tìm kiếm thông tin về các loại nấm chữa bệnh, khi biết tại Hàn Quốc có nấm thượng hoàng có thể ức chế sự phát triển của khối u đến 97,8%, bà đã sang Hàn Quốc cùng phối hợp nghiên cứu về loại nấm này theo chương trình liên kết Nghị định thư của Chính phủ. Trước khi về nghỉ hưu, bà là giảng viên khoa Sinh học trường ĐH Khoa học Tự nhiên Đại học Quốc gia Hà Nội và được giảng dạy môn Các tác nhân gây ra bệnh ung thư. Đây chính là cơ hội để bà biết được nguyên nhân gây ra bệnh ung thư và cũng từ đó bà tìm cách để khống chế căn bệnh nan y này. Bà đang làm chủ nhiệm đề tài công nghệ sinh học cấp Nhà nước Hoàn thiện công nghệ sản xuất nấm dược liệu theo hướng công nghiệp dạng sinh khối sợi để tạo thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị tiểu đường, khối u và nâng cao sức khỏe.

Hết năm nay, đề tài này sẽ được nghiệm thu và triển vọng của đề tài sẽ được ứng dụng tốt trong thực tế vì bà đã nghiên cứu và áp dụng nhiều năm nay trên cơ thể người bệnh. Và để cuộc chiến chống ung thư hiệu quả hơn, bà đang kết hợp với các nhà khoa học Đức sử dụng công nghệ phát hiện sớm ung thư tuần hoàn máu để có thể phát hiện bệnh từ khi chưa hình thành khối u, và nhờ đó có thể điều trị tích cực, giảm các nguy cơ gây tử vong do căn bệnh này.

Bước chân nữ doanh nhân PGS.TS Nguyễn Thị Chính đã in dấu trên mọi miền Tổ quốc. Bà đi để chuyển giao công nghệ trồng nấm tại các tỉnh thành, giúp các hộ gia đình nhân giống, nuôi trồng và bán cho người tiêu dùng và nhiều hộ đã thoát nghèo từ các giống nấm. Nhiều khi, bà tự hỏi tại sao mình lại phải lăn lộn như thế, đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đi xuồng, đi ghe với mọi người, thăm những nơi sản xuất nấm đề về làm dự án. Hay khi mới sinh con được 2 năm đã giúp Đà Nẵng trồng nấm. Lúc gửi theo ôtô ra Hà Nội, con gái bà còn rất nhỏ, khi đến Huế bị lụt dọc đường, phải nằm lại Huế mấy ngày, khiến bà rất lo lắng. Trên đường đi con gái bà nằm trên bàn ngủ cùng với người lái xe rơi xuống đất sứt hết cằm, chảy cả máu nhưng không có mẹ bên cạnh.

Giờ đây, chỉ một trang trại trồng nấm tại Bát Tràng và căn phòng 124m2 tại quận Thanh Xuân làm xưởng nhưng sức sản xuất của công ty do bà đứng mũi chịu sào thì rất đáng nể phục. Gặp bà sẽ thấy một sự quyết liệt, khẩn trương, cứu người như cứu hỏa trong việc chữa trị cho người bệnh và niềm tin vững chắc của một nhà khoa học về điều mình đã làm và sẽ làm dẫu rằng trên con đường bà đi còn có những quan điểm trái chiều.

Mỗi con người có một số phận và mỗi số phận có bài toán khác nhau. Nếu bạn mở lòng đón nhận những đáp án khác nhau của bài toán cuộc đời, bạn sẽ khám phá ra những điều mới mẻ của cuộc sống. PGS.TS Nguyễn Thị Chính hẳn là người đã mở lòng đón nhận nhiều đáp án khác nhau và bà đã khám phá ra những điều mới mẻ trong đó quan trọng nhất là đưa những người không may mắc các căn bệnh nan y sống vui khỏe với cuộc đời.

Yên Hưng