Điền kinh Việt Nam: Tiền không thiếu, nhưng…

ANTĐ - Dẫn đầu trong số các môn thể thao đỉnh cao về mức độ được quan tâm và cả tiền đầu tư, nhưng điền kinh Việt Nam (ĐKVN) vẫn chưa thể hiện thực hóa ước mơ vươn tầm thế giới. Và người ta đang chờ một cuộc cách mạng từ chính giới quản lý môn thể thao nữ hoàng.

Vũ Thị Hương (giữa) vẫn chưa có người kế thừa


Nỗi lo “kinh niên”

Nhiều năm qua, điền kinh luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư đặc biệt từ ngành thể thao và các tổ chức xã hội. Trong danh sách các bộ môn được đầu tư hoạt động năm 2011, môn thể thao nữ hoàng đứng đầu với con số kỷ lục 160.000 USD. Song cũng như các bộ môn khác, ĐKVN luôn phải đối mặt với nỗi lo lực lượng kế cận. Một trong những vấn đề muôn thuở đặt ra tại các hội thảo về công tác đào tạo VĐV điền kinh trẻ là tình trạng đáng báo động trước sự giảm sút phong độ của một số VĐV xuất sắc do quy luật tuổi tác, trong khi lực lượng VĐV kế cận còn rất mỏng, chưa thể thay thế lớp đàn anh ở cả cấp địa phương và đội tuyển.

Vài tài năng trẻ tỏa sáng tại SEA Games vừa qua như Việt Anh, Văn Thái, Huệ Hoa là quá ít. Chưa kể ở các cự ly danh giá như 100m, 200m nữ của Vũ Thị Hương, và cả 800m, 1.500m nữ của Trương Thanh Hằng vẫn chưa tìm được ai xứng đáng thay thế. Phó TTK Liên đoàn ĐKVN Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: “Tiền không phải vấn đề, nhưng để ĐKVN đủ sức vươn tầm thế giới thì cần phải có sự thay đổi. Và một trong số đó là giải quyết triệt để tình trạng thả nổi các trung tâm huấn luyện thể thao địa phương hiện nay”.

Cần sự đồng bộ về mọi mặt

Giới chuyên gia đều thừa nhận, các VĐV trẻ Việt Nam luôn sẵn tố chất bẩm sinh. Mới đây, lãnh đạo bộ môn cùng 2 chuyên gia người Đức đã có chuyến khảo sát, tìm kiếm tài năng trẻ độ tuổi từ 10-15 tuổi tại 10 khu vực trên toàn quốc. Kết quả, trên 100 em tìm ra được đánh gia cao về mặt chuyên môn và sẽ đưa về đào tạo tại các trung tâm thể thao địa phương. Quan trọng, bộ môn và các địa phương có VĐV cần thống nhất chiến lược chung nhằm giúp các tài năng trẻ phát huy hết tố chất. Thực tế, vì thành tích mà hầu hết các địa phương đều đào tạo các VĐV theo kiểu “ăn xổi”, bỏ qua đào tạo căn bản và “đốt cháy giai đoạn” để có thành tích nhất thời. Tất cả số VĐV này khi tập trung đội tuyển đều phải huấn luyện từ đầu, dẫn đến tốn thời gian và tiền của. Đến việc vắt kiệt sức các tuyển thủ, mà việc “bắt” Hương, Hằng phải tham dự đến 3-4 giải liền kề là một điển hình.

Theo các chuyên gia, HLV từ cấp quốc gia đến địa phương cần có đội ngũ kế cận và phải thống nhất phương pháp huấn luyện chung chứ không thể người đi trước “xây”, người sau lại “phá”. Ngoài ra cần phải tập hợp các HLV giỏi và tạo chế độ đãi ngộ phù hợp để họ yên tâm cống hiến. Đơn cử một HLV giỏi như Hồ Thị Từ Tâm (tổ cự ly trung bình) được một quốc gia mời sang huấn luyện với mức lương 7.000-10.000 USD/tháng, nhưng vẫn chấp nhận ở lại Việt Nam dù tiền nhận được chỉ bằng 1/5 số đó.

Ý tưởng về Trung tâm điền kinh

Phó TTK Nguyễn Mạnh Hùng cho biết lãnh đạo bộ môn cùng Liên đoàn đang có kế hoạch xây dựng một Trung tâm điền kinh. Theo đó, ngoài cơ sở vật chất phục vụ tất cả các nội dung thi đấu của môn điền kinh, Trung tâm còn có các hạng mục phục vụ nhu cầu ăn ở, vui chơi giải trí… nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các VĐV. Để tránh tình trạng tập luyện rải rác và chỉ tập trung toàn đội trước khi thi đấu… vài giờ đồng hồ, như tại SEA Games 26 vừa qua, các VĐV sẽ tập trung tập luyện tại trung tâm này 3 tháng trước các giải đấu quan trọng. Thời gian còn lại có thể dành để kinh doanh. Hiện lãnh đạo ĐKVN đang xúc tiến việc tìm địa điểm và kêu gọi tài trợ để mô hình ưu việt này sớm trở thành hiện thực. “Lý tưởng nhất là xây dựng một trung tâm chuyên biệt, song cũng không ngoại trừ khả năng phải tận dụng cơ sở vật chất của một Trung tâm HLTTQG nào đó nếu thiếu kinh phí”, ông Hùng nói.