TS Cấn Văn Lực đưa ra các kịch bản tăng trưởng kinh tế và giải pháp |
TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV: Phát huy nguồn lực hiện có, khai thác nguồn lực mới
Từ năm 2020 đến nay, nền kinh tế nước ta cũng phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức và hạn chế. Dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 theo kịch bản cơ sở là 5,2-5,5%. Với kịch bản tiêu cực là kinh tế thế giới suy thoái nặng hơn, tận dụng được ít các cơ hội từ các động lực tăng trưởng mới, tăng trưởng dự báo là 4,4-4,5%.
Tuy nhiên, với kịch bản tích cực là kinh tế thế giới sớm phục hồi, và khai thác được các động lực tăng trưởng mới (như chuyển đổi số, đẩy mạnh liên kết vùng với việc thúc đẩy 2 động lực chính là Hà Nội và TP. HCM) tăng trưởng có thể đạt 5,5-6%.
Đối với năm 2024 và 2025, theo kịch bản cơ sở, dự báo tình hình kinh tế thế giới từng bước phục hồi, lạm phát được kiềm chế và dần về mức dưới 3% năm 2025, khi đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo đạt khoảng 6% năm 2024 và 6,5% năm 2025.
Trong thời gian tới, cơ hội và thách thức đan xen, vì vậy muốn lấy lại đà phát triển nhanh và bền vững đòi hỏi Quốc hội và Chính phủ cần thực hiện nhiều chính sách, giải pháp vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu, củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống vừa tạo không gian đủ rộng để khai thác hiệu quả các mô hình, động lực tăng trưởng mới, cho cả trước mắt và lâu dài.
Nhóm nghiên cứu kiến nghị 2 nhóm giải pháp chính là: Nhóm giải pháp củng cố các động lực tăng trưởng hiện hữu; Nhóm giải pháp phát huy, khai thác động lực tăng trưởng mới.
TS Trần Thị Hồng Minh khẳng định vai trò của thể chế trong tăng trưởng kinh tế |
TS. Trần Thị Hồng Minh- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương: Cần khai thác nguồn lực về thể chế
Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2023 đã mang lại một số kết quả tích cực. Trong đó, cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch đáng kể theo hướng số hóa, xanh hóa, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cơ cấu lại một số lĩnh vực trọng tâm như hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân sách nhà nước và đầu tư công đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng. Không gian kinh tế được mở rộng, tạo được động lực mới, liền mạch và bền vững hơn.
Việc ban hành và thực hiện các quy hoạch (quốc gia, ngành, vùng) gắn với hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng đã tạo điều kiện thúc đẩy dịch chuyển các nguồn lực, phát huy lợi thế của từng vùng, địa phương. Các loại thị trường tiếp tục phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững hơn….
Trong bối cảnh, tình hình hiện nay, TS.Trần Thị Hồng Minh nêu rõ, Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, có khát vọng phát triển với tầm nhìn 2045, và lại ở một khu vực châu Á-Thái Bình Dương phát triển năng động.
Chính vì vậy, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và an sinh xã hội chính là những nền tảng không thể thiếu, song vẫn phải phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu đề ra, trong đó có thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có chất lượng, có tính bền vững.
TS.Trần Thị Hồng Minh cho rằng, điểm tích cực là đã có những nền tảng cho “đổi mới tư duy”. Tuy nhiên, hiện thực hóa những tư duy ấy đòi phải có đánh giá thấu đáo, toàn diện hơn về nội lực của nền kinh tế. Nội lực ấy không chỉ giới hạn ở lượng tiền, vàng và các tài sản khác mà người dân Việt Nam đang nắm giữ, mà cần khai thác nguồn lực về thể chế.
Ông Nguyễn Xuân Thành khẳng định, phát triển bền vững gắn với tăng trưởng xanh |
Ông Nguyễn Xuân Thành- Giảng viên Trường chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam: Ưu tiên đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo
Nền kinh tế Việt Nam hiện đang đứng trước những thách thức rất lớn trong ngắn hạn và trung hạn về mặt tốc độ tăng trưởng. Ngay cả khi không có nhiều thay đổi về cơ cấu kinh tế và phát huy được tác động tích cực của một số động lực tăng trưởng mới thì việc đạt mục tiêu GDP tăng trưởng bình quân 6,5% trong giai đoạn 2021-2025 là vô cùng khó khăn.
Cả ba động lực tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế Việt Nam là tiêu dùng nội địa, đầu tư và xuất khẩu đều không theo hướng chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn. Nếu tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng với ba động lực truyền thống này mà không có chính sách mang tính khuyến khích để thay đổi hành vi trong tiêu dùng, đầu tư và sản xuất kinh doanh thì chắc chắn các mục tiêu về chuyển đổi xanh sẽ không đạt được.
Ngược lại, việc ban hành và thực thi các chính sách mang tính hành chính, phản ứng thụ động, bắt buộc chuyển đổi mô hình tăng trưởng không có lộ trình sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế một cách đáng kể.
Theo đó, cần chuyển đổi động lực tăng trưởng về tiêu dùng và sản xuất trong nước kinh tế tuần hoàn theo hệ sinh thái dẫn dắt bởi các cụm ngành.
Trong kế hoạch đầu tư công, dự án đầu tư thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo cần được đặt lên ưu tiên hàng đầu và những cơ chế ưu đãi cao nhất cần được áp dụng cho việc thu hút đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước vào lĩnh vực này.
Ưu tiên chính sách thứ nhất là củng cố lưới điện để truyền tải điện tái tạo từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Hệ thống lưới điện mạnh hơn và thông minh hơn sẽ giảm thiểu các sự cố mất điện và có giá cả phải chăng.
Ưu tiên chính sách tiếp theo là cần xây dựng một hệ thống đấu thầu giá điện cho các nhà sản xuất năng lượng tái tạo. Vì điện mặt trời và gió (cũng như hydro) có chi phí vận hành thấp hoặc gần bằng không, còn lại chủ yếu là chi phí cố định, nên các nguồn phát này có lợi thế tự nhiên khi tham gia đấu thầu giá điện so với nguồn điện than hay khí đốt (vốn không thể trả giá thấp hơn chi phí nhiên liệu nếu không muốn bù lỗ).
Dù các nhà sản xuất điện tái tạo luôn muốn có hợp đồng bao tiêu, nhưng họ cũng sẽ hài lòng với cơ chế đấu thầu giá điện công khai, minh bạch do trung tâm điều độ độc lập quản lý.