Diễn biến nguy hiểm

ANTĐ - Biểu tình đang được cả hai phe đối lập trong cuộc khủng hoảng sâu sắc ở Ai Cập sử dụng như một thứ vũ khí lợi hại nhằm đạt được mục đích của mình.

Hàng triệu người đã đổ xuống đường biến thành làn sóng biểu tình
lớn nhất trong lịch sử ở Ai Cập

Trung tâm Phát triển Quốc tế (IDC) ngày 2-8 công bố báo cáo "Chỉ số Dân chủ" cho biết, trong tháng 7 vừa qua tại Ai Cập đã diễn ra 1.432 cuộc biểu tình, với trung bình 46 cuộc/ngày và 2 cuộc/giờ. Tổng cộng đã có hơn 30 triệu người tham gia các cuộc biểu tình trên toàn quốc phản đối chính quyền của Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi và tổ chức Anh em Hồi giáo (MB), cũng như ủng hộ quân đội và lực lượng chính trị được quân đội hậu thuẫn. 

Trong khi đó, số người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Morsi và MB ít hơn nhiều lần. Tính ra, chỉ có gần một triệu người Hồi giáo đổ xuống đường tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ ông Morsi và phản đối điều  mà họ gọi là "cuộc đảo chính quân sự chống lại tính hợp hiến".

Theo báo cáo "Chỉ số Dân chủ" - một tài liệu dùng để đánh giá tình trạng dân chủ tại 167 quốc gia trên thế giới - chỉ 3 ngày đầu tháng 7 đã diễn ra 420 cuộc biểu tình, kết thúc bằng việc quân đội tiến hành phế truất ông Morsi, vị Tổng thống dân bầu đầu tiên trong lịch sử Ai Cập, vào chiều 3-7. Với 12 cuộc, ngày 10-7 là ngày có ít biểu tình nhất khi ngày cao điểm 1-7 có tới 147 cuộc biểu tình khắp đất nước Ai Cập.

Cũng theo IDC, trong một năm cầm quyền của ông Morsi (từ 1-7-2012 đến 20-6-2013) tại Ai Cập đã diễn ra 9.427 cuộc biểu tình, tức trung bình hơn 780 cuộc mỗi tháng. Trong khi đó, năm cuối cùng dưới thời cựu Tổng thống Hosni Mubarak, mỗi tháng trung bình chỉ có 176 cuộc biểu tình.

Sở dĩ Ai Cập phải hứng chịu làn sóng biểu tình lớn nhất trong lịch sử đất nước Kim Tự tháp cũng như lịch sử nhân loại bởi biểu tình đã được sử dụng như thứ vũ khí hiệu quả để đạt được mục đích chính trị. Chính làn sóng biểu tình rầm rộ trên khắp đất nước đã góp phần lật đổ Tổng thống Mubarak sau 31 năm cầm quyền liên tục.

Khi thất vọng với Tổng thống Morsi, phe đối lập lại huy động, tổ chức xuống đường biểu tình phản đối nhà lãnh đạo lên cầm quyền nhờ làn sóng biểu tình “nhấn chìm” ông Mubarak. Làn sóng biểu tình rậm rộ khắp đất nước, đặc biệt là ở quảng trường Tahrir tại Thủ đô Cairo, cuối cùng cũng đã khiến quân đội ra tay lật đổ Tổng thống Morsi.

Biểu tình đang được các bên trong cuộc khủng hoảng Ai Cập lợi dụng triệt để, đẩy lên thành cao trào nhằm đạt được các mục đích song cũng đang trở nên nguy hiểm khó lường. Báo cáo của IDC ngày 2-8 đã lên tiếng cảnh báo về các diễn biến “nguy hiểm” trong các cuộc biểu tình, đặc biệt là việc sử dụng bạo lực trong các cuộc biểu tình đã trở thành một “xu hướng” rất đáng lo ngại. 

Cảnh báo trên được đưa ra sau khi đã xảy ra các vụ bạo lực trong biểu tình khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương. Trong đó, vụ đụng độ bạo lực tồi tệ và đẫm máu xảy ra rạng sáng 27-7 gần Quảng trường Rabaa Al-Adawiya tại quận Nasr City ở Đông Bắc Thủ đô Cairo đã khiến ít nhất 65 người thiệt mạng và 269 người bị thương. Chính vì thế, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng kêu gọi các bên ở Ai Cập kiềm chế, giải quyết khủng hoảng bằng giải pháp chính trị.