Điểm nóng cướp biển mới

ANTĐ - Vùng biển Tây Phi, nhất là vịnh Guinea, đang nổi lên như một điểm nóng cướp biển mới bên cạnh khu vực cướp biển khét tiếng Đông Phi phía ngoài khơi Somalia.

Hải quân quốc tế bắt giữ một nhóm cướp biển châu Phi

Tình hình cướp biển tại các vùng biển Tây Phi báo động tới mức LHQ đã hai lần lên tiếng bày tỏ sự lo ngại sâu sắc chỉ trong chưa đầy một tháng qua. Mới đây nhất, ngày 19-10, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi phối hợp hành động chống lại hải tặc vốn đang là mối đe dọa ngày càng tăng cho tàu bè qua lại vùng Vịnh Guinea.

Trước đó, trong tuyên bố ra ngày 30-8, Hội đồng Bảo an LHQ đã bày tỏ quan ngại đặc biệt trước nạn cướp biển, cướp có vũ trang và tình trạng bắt cóc con tin đòi tiền chuộc đang tăng nhanh ở khu vực này.

Sự lo ngại của LHQ xuất phát từ thực tế hàng loạt vụ cướp biển chấn động xảy ra tại các vùng biển Tây Phi thời gian qua. Bọn cướp biển đã tấn công hàng chục tàu thuyền qua lại  khu vực này trong năm nay, và số vụ cướp biển có thể còn cao hơn nhiều bởi nhiều chủ tàu không dám khai báo do chở dầu có nguồn gốc bất hợp pháp hoặc lo ngại phí bảo hiểm tăng.

Theo Cơ quan Hàng hải quốc tế (IMB) chuyên giám sát hoạt động cướp biển trên toàn cầu, từ đầu năm nay, các vụ cướp biển đã gia tăng đáng kể tại tuyến hàng hải chạy dọc theo bờ biển của 12 quốc gia Tây Phi, từ Ghana đến Angola. Cuối tháng 7 vừa qua, bọn cướp biển đã tấn công và bắt cóc con tàu chở dầu RBD Anema e Core cỡ lớn của Italia ở Vịnh Guinea.

Sự gia tăng đột ngột những vụ cướp biển tấn công tàu chở dầu ở khu vực Tây Phi giáp Đại Tây Dương trong thời gian qua đã làm dấy lên mối lo ngại tình hình này có thể tác động nghiêm trọng đến các thị trường dầu khí, kim loại và nông nghiệp trên toàn cầu. Trong khi cướp biển ở Đông Phi kiếm chác từ tiền chuộc thì cướp biển hoạt động ngoài khơi bờ biển Tây Phi quan tâm hơn tới hàng hóa, đặc biệt là dầu.

Sự khác biệt giữa cướp biển Tây Phi và Đông Phi cũng làm dấy lên mối lo ngại khác. Đó là do chủ yếu nhằm cướp hàng hóa chứ không phải đòi tiền chuộc nên những tên cướp biển Tây Phi sẵn sàng sử dụng bạo lực như đánh thủy thủ, không ngần ngại đâm, thậm chí đã xảy ra ít nhất 2 trường hợp bắn chết thủy thủ cản trở chúng.

Cho rằng có thể do bị lực lượng hải quân quốc tế trấn áp mạnh tại khu vực Đông Phi nên cướp biển chuyển đất "làm ăn" sang Tây Phi, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon thúc giục các nước cũng như các tổ chức trong vùng như Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) và Cộng đồng Kinh tế các nước Trung Phi (ECCAS)... triển khai một chiến lược toàn diện chống cướp biển. Ông cho biết sẽ cử một phái đoàn đến khu vực để đánh giá hiện trạng và đưa ra các lựa chọn mà LHQ có thể hỗ trợ. Cùng với LHQ, nhiều quốc gia khác, bao gồm Mỹ đã có chương trình huấn luyện chống cướp biển cho hải quân khu vực. Nigeria và Benin cũng đã lập đội tàu tuần tra chung chống cướp biển với sự tham gia của 100 lính hải quân, 3 tàu tuần tra và 4 máy bay trực thăng chiến đấu.