Dịch vụ đòi nợ thuê: Chủ nợ có phải chịu trách nhiệm nếu công ty đòi nợ thuê sai luật?

ANTD.VN - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa đưa ra bản góp ý vào Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ, do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo.

Chủ nợ có liên đới trách nhiệm?

Trước đó, trong dự thảo công bố lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề nghị xóa bỏ quy định hiện tại là: “Trách nhiệm, quyền hạn của chủ nợ và khách nợ: không chịu trách nhiệm liên đới đối với những hành vi mà doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ vi phạm pháp luật”.

Lý do, theo Bộ Tài chính là trên thực tế một số chủ nợ có yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện đòi nợ bằng các hành vi cấm như đe dọa, sử dụng vũ lực… gây mất an ninh, trật tự xã hội.

Do đó, Bộ Tài chính cho rằng, trong một số trường hợp, chủ nợ phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những hành vi mà doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ vi phạm pháp luật.

Góp ý về đề xuất này, phía VCCI cho rằng việc bỏ quy định trên là chưa hợp lý. Theo VCCI, đòi nợ được xem là hoạt động cung cấp dịch vụ. Tương tự như các hoạt động cung cấp dịch vụ khác, doanh nghiệp đòi nợ sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hoạt động cung cấp dịch vụ của mình.

VCCI thừa nhận, trên thực tế, có thể xảy ra tình huống như ban soạn thảo lo ngại, tức là chủ nợ có yêu cầu, hướng dẫn, khuyến khích doanh nghiệp đòi nợ thực hiện các hành vi bất hợp pháp để đòi nợ. Tuy nhiên, ngay cả khi xảy ra tình huống như vậy, về mặt pháp luật, doanh nghiệp đòi nợ không được và cũng không thể chấp nhận các yêu cầu này bởi họ có nghĩa vụ thực hiện việc đòi nợ theo đúng quy định pháp luật.

“Nói cách khác, chủ nợ có thể yêu cầu hoặc khuyến nghị cách thức thực hiện đòi nợ, nhưng việc có chấp nhận hay không là trách nhiệm của doanh nghiệp”, VCCI nêu quan điểm.

Do đó, VCCI cho rằng, trường hợp doanh nghiệp đòi nợ thực hiện việc đòi nợ theo cách thức pháp luật cấm thì doanh nghiệp vẫn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với việc này, không quan trọng là hành vi này xuất phát từ gợi ý hay yêu cầu của ai.

Dịch vụ đòi nợ thuê tiềm ẩn nhiều vấn đề về an ninh, trật tự

Để đảm bảo tính hợp lý và minh bạch, VCCI đề nghị ban soạn thảo giữ nguyên quy định hiện tại, tức là “Khách nợ và chủ nợ: không chịu trách nhiệm liên đới đối với những hành vi mà doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ vi phạm pháp luật”.

Đề nghị bỏ điều kiện về vốn và người quản lý

Về điều kiện kinh doanh, VCCI cho rằng, yếu tố quan trọng nhất tác động đến lợi ích công cộng, cần phải quản lý đối với hoạt động cung cấp dịch vụ đòi nợ là “an ninh, trật tự”, do đó việc kiểm soát hoạt động kinh doanh này từ góc độ “an ninh, trật tự” là cần thiết.

Mặc dù vậy, hiện tại, ngành nghề này được xác định là ngành nghề phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP. Như vậy, yếu tố tác động đến “an ninh, trật tự”, vấn đề quan trọng nhất cần quan tâm đối với ngành nghề này, đã được kiểm soát thông qua Giấy chứng nhận nói trên” – VCCI nêu quan điểm.

Do đó, theo VCCI, cần đánh giá lại các điều kiện kinh doanh đang thiết kế đối với ngành, nghề dịch vụ đòi nợ ở Nghị định này trong bối cảnh nói trên để đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp vừa đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước.

Cụ thể, VCCI đề xuất bỏ quy định vốn điều lệ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2 tỷ đồng. “Không rõ tại sao doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ lại phải đáp ứng yêu cầu về vốn? Nếu không có đủ nguồn vốn này thì các lợi ích công cộng nào sẽ bị tác động? Không nhận thấy tác động đáng kể nào từ hoạt động kinh doanh này liên quan đến lợi ích công cộng” – VCCI đặt câu hỏi.

Về điều kiện đối với người quản lý và giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, Dự thảo quy định phải trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: Kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh. Đồng thời, chưa từng bị kết án; không giữ chức danh quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ...

Tuy nhiên, theo VCCI, Dự thảo đã quy định doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Để có được Giấy chứng nhận này, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã phải đáp ứng các điều kiện đối với người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự.

“Trong nhiều trường hợp thì người chịu trách nhiệm về an ninh trật tự của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chính là người quản lý/giám đốc của doanh nghiệp. Hơn nữa, từ góc độ hiệu quả quản lý, việc kiểm soát người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của doanh nghiệp đòi nợ sẽ hiệu quả hơn so với kiểm soát người quản lý và giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp” – VCCI nêu ý kiến.

Vì vậy, VCCI cho rằng việc đặt điều kiện đối với người quản lý và giám đốc chi nhánh trong Nghị định này là không cần thiết, chồng lấn với quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP.