Đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu truyền thống men lá là chưa phù hợp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ Tài chính cho rằng đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu truyền thống men lá là không phù hợp với các cam kết quốc tế.

Trong kiến nghị gửi tới Bộ Tài chính, cử tri tỉnh Lạng Sơn đã đề nghị được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu men lá truyền thống.

Cụ thể, cử tri cho biết, theo quy định tại Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc điệt năm 2013 đã bổ sung về thuế suất đối với mặt hàng rượu.

Trong đó, rượu từ 20 độ trở lên áp dụng thuế suất như sau: Từ ngày 1/1/2016 đến hết 31/12/ 2016 có mức thuế là 55%; Từ ngày 1/1/2017 đến 31/ 12/ 2017 có mức thuế là 60%; Từ ngày 1/1/2018 trở đi, mức thuế là 65%.

Đối với rượu dưới 20 độ: Từ ngày 1/1/2016 đến hết 31/12/ 2016 có mức thuế là 30%; Từ ngày 1/1/2017 đến 31/12/2017 có mức thuế là 35%; Từ ngày 1/1/2018, mức thuế là 40%.

Việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu men lá là không phù hợp các cam kết quốc tế

Việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu men lá là không phù hợp các cam kết quốc tế

Theo quy định trên, mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu được pháp luật quy định chung trên cơ sở nồng độ. Tuy nhiên, do mức thuế cao đã phần nào ảnh hưởng đến việc duy trì sản xuất mặt hàng rượu men lá truyền thống được lên men bằng các loại hương liệu và dược liệu tự nhiên tại địa phương trong thời gian vừa qua.

Do đó, nhằm tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất sản phẩm rượu truyền thống, góp phần tạo nguồn phụ phẩm phục vụ cho chăn nuôi, tạo công ăn việc làm cho người dân, phát triển kinh tế địa phương, cử tri đề nghị cơ quan chuyên ngành cần nghiên cứu, xem xét có chính sách để hỗ trợ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu men lá truyền thống của các địa phương, không quy định nồng độ chung với các sản phẩm rượu nhập ngoại và rượu công nghiệp khác.

Tuy nhiên, trả lời cử tri, Bộ Tài chính lại cho rằng đề xuất này là chưa phù hợp. Bộ Tài chính cho biết theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12, mặt hàng rượu thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Cùng với đó, theo Quy tắc đối xử quốc gia nêu tại Hiệp định GATT của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì các bên ký kết thừa nhận rằng các khoản thuế và khoản thu nội địa, cũng như luật, hay quy tắc yêu cầu tác động tới việc bán hàng, chào bán, vận tải, phân phối hay sử dụng sản phẩm trong nội địa cùng các quy định định lượng trong nước yêu cầu có pha trộn, chế biến hay sử dụng sản phẩm với một khối lượng tỷ trọng xác định, không được áp dụng với sản phẩm nội địa hoặc nhập khẩu với kết cục là bảo hộ hàng nội địa.

Tại Điều 1 và Điều 3 Hiệp định trợ cấp và các biện pháp đối kháng của WTO quy định biện pháp hỗ trợ theo cách thức trợ giá của Chính phủ thuộc nhóm trợ cấp bị cấm.

Căn cứ các quy định nêu trên của WTO và theo thông lệ quốc tế, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã được sửa đổi khi Việt Nam gia nhập WTO, theo đó quy định mặt hàng rượu thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, được chia thành 2 nhóm: rượu từ 20 độ trở lên và rượu dưới 20 độ, không phân biệt hình thức sản xuất truyền thống hay công nghiệp, sản xuất nội địa hay nhập ngoại.

Do vậy, Bộ Tài chính cho rằng, kiến nghị hỗ trợ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu men lá truyền thống của các địa phương, không quy định nồng độ chung với các sản phẩm rượu nhập ngoại và rượu công nghiệp khác là chưa phù hợp với cam kết khi gia nhập WTO.

Bộ Tài chính đề nghị cần phải thực hiện theo quy định Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành.