Đề xuất đưa kit xét nghiệm Covid-19 vào diện hàng bình ổn giá

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Do chi phí xét nghiệm cho lái xe, người lao động quá cao, 14 hiệp hội vừa có kiến nghị Thủ tướng cho các tổ chức y tế được phép bán kit xét nghiệm theo giá cạnh tranh, kiểm soát giá kit xét nghiệm như mặt hàng cần bình ổn giá.
Chi phí xét nghiệm đang là gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp

Chi phí xét nghiệm đang là gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp

Ngày 16-9, 14 hiệp hội đã gửi Thư kiến nghị đến Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đề xuất chiến lược “Phòng chống dịch theo điểm” phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh dịch bệnh mới.

Theo đó, các hiệp hội này đề xuất với Chính phủ cho phép công dân được tham gia giao thông và các hoạt động xã hội, trừ hoạt động tập trung đông người khi có có xét nghiệm âm tính;

Xét nghiệm âm tính có giá trị trong vòng 14 ngày đối với người đã tiêm 2 mũi vaccine hoặc khỏi bệnh, 5 ngày đối với người đã tiêm mũi 1, 3 ngày đối với người chưa tiêm vaccine;

Tổ chức, cá nhân tự xét nghiệm, tự khai báo trên phần mềm quản lý quốc gia, tự chịu trách nhiệm pháp lý đối với hoạt động khai báo của mình; Thống nhất sử dụng 1 phần mềm quản lý, khai báo phòng chống dịch trên toàn quốc; Yêu cầu, quy định phòng chống dịch phải được thực hiện online.

Đối với hoạt động tổ chức sản xuất, các hiệp hội đề xuất Chính phủ trao quyền chủ động về mô hình và phương thức tổ chức sản xuất cũng như vận hành phòng chống dịch cho các tổ chức/doanh nghiệp; không cực đoan đóng cửa các doanh nghiệp nếu lây nhiễm chỉ trong phạm vi hẹp của 1 dây chuyền/phân xưởng/ bộ phận riêng biệt. Các tỉnh, thành phố cần thành lập tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp.

Liên quan đến công tác xét nghiệm y tế, 14 hiệp hội đề xuất cho các tổ chức y tế được bán kit xét nghiệm theo giá cạnh tranh; Kiểm soát giá kit xét nghiệm như mặt hàng cần bình ổn giá hoặc được Nhà nước trợ giá theo Luật giá.

Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, chi phí xét nghiệm Covid-19 hiện rất lớn do giá kit cao, mật độ xét nghiệm dày, gây tốn kém cho doanh nghiệp. Do đó, các đề xuất này là một trong những biện pháp quan trọng nhằm kéo giảm giá xét nghiệm, hạ chi phí cho dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cộng đồng các doanh nghiệp này mong được khấu trừ chi phí xét nghiệm và phòng chống dịch vào chi phí doanh nghiệp hoặc kinh phí công đoàn, phí bảo hiểm xã hội; Bảo hiểm y tế chi trả các chi phí cho các cá nhân đóng bảo hiểm, còn với những người chưa đóng, sẽ do ngân sách chi trả; Các bệnh viện, tổ chức y tế tư nhân được phép thu phí xét nghiệm và điều trị.

14 hiệp hội doanh nghiệp gửi kiến nghị lên Thủ tướng gồm: Lương thực thực phẩm TP HCM, Thực phẩm minh bạch, Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam; Doanh nghiệp điện tử Việt Nam; Nhựa Việt Nam, Dệt may Việt Nam; Bia – rượu – nước giải khát Việt Nam; Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao; Da giày – Túi xách Việt Nam; Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM; Gỗ và Lâm sản Việt Nam; Sữa Việt Nam; Giấy và bột giấy Việt Nam; Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Đây là những ngành hàng chủ lực của Việt Nam.