Đề xuất áp thuế giá trị gia tăng 5% với mặt hàng phân bón

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ Tài chính đề xuất chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất 5%.

Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất phân bón. Theo đó, cơ quan này đề nghị chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%.

Dự thảo Nghị quyết nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước vượt qua khó khăn hiện nay, góp phần tăng sức cạnh tranh của mặt hàng phân bón và sẽ được trình Chính phủ trình Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Việc áp thuế GTGT 5% với mặt hàng phân bón được cho là sẽ tháo gỡ khó khăn về chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước

Việc áp thuế GTGT 5% với mặt hàng phân bón được cho là sẽ tháo gỡ khó khăn về chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước

Trước đó, theo quy định của Luật thuế GTGT thì trước 01/01/2015, mặt hàng phân bón chịu thuế GTGT với thuế suất 5%.

Tuy nhiên, ngày 26/11/2014 Quốc hội đã thông qua Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015, quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT; doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ mua vào (kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định) dùng cho sản xuất phân bón.

Mục đích của quy định không áp thuế GTGT với mặt hàng phân bón nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhằm giảm giá thành phân bón cho người nông dân.

Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp sản xuất phân bón, với quy định không chịu thuế ở tất cả các khâu: nhập khẩu, sản xuất, bán buôn, bán lẻ đến tay người tiêu dùng lại gây bất lợi cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Trong khi mặt hàng phân bón nhập khẩu không chịu thuế GTGT ở khâu nhập khẩu, còn phân bón sản xuất trong nước thì thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, phải tính vào chi phí sản xuất.

Theo Bộ Tài chính, với đề nghị chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%, các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón.

Việc áp thuế này áp dụng ở tất cả các khâu: nhập khẩu, sản xuất, bán buôn, bán lẻ đến tay người tiêu dùng, do đó tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu cùng loại.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng giá mặt hàng phân bón được hình thành theo cơ chế thị trường; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này được quyền tự định giá theo tín hiệu khách quan trên thị trường.

Do đó, để không làm tăng chi phí đầu vào cho nông dân thì các doanh nghiệp phân bón phải hạ giá thành sản phẩm để không tăng giá bán mặt hàng phân bón. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón cần phải thực hiện các giải pháp như: tăng cường quản trị, rà soát để tiết giảm chi phí, từ đó giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Do yêu cầu cấp bách của việc hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội về hiệu lực thi hành của Nghị quyết từ ngày 01/01/2021.