Để World Cup không còn là giấc mơ

ANTD.VN - Sân chơi World Cup tăng thêm 16 đội mở ra cơ hội tham dự cho các nền bóng đá đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

U19 Việt Nam (áo sáng) có thể tiếp cận suất dự World Cup sau 10 năm nữa nếu được đầu tư xứng tầm từ bây giờ

Với việc FIFA quyết định tăng từ 32 lên 48 đội tranh tài từ World Cup 2026, khu vực châu Á sẽ có khoảng 8 suất, gấp đôi hiện tại. Cơ hội tăng thêm nhưng không nhiều và đặc biệt chỉ dành cho những nền bóng đá sớm hành động để tận dụng nó ngay từ bây giờ.

Nhà quản lý dè dặt

Kể từ sau tấm HCB SEA Games 1995, lãnh đạo VFF khóa II từng đặt mục tiêu giành vé dự World Cup 2010 nhưng thực tế cho thấy 2 thập kỷ qua, bóng đá Việt Nam còn chưa vươn khỏi khu vực Đông Nam Á. Con đường tới World Cup của các nước châu Á là dựa vào kết quả tại Cúp bóng đá châu Á (Asian Cup) nhưng bao năm qua, bóng đá Việt Nam lại rất hời hợt với sân chơi này.

Trò chuyện với báo chí trong buổi gặp mặt đầu năm mới 2017 sáng 13-1, đại diện lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tỏ ra khá dè dặt khi nói về cơ hội dự World Cup của bóng đá Việt Nam. Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết: “Hiện chúng ta đang xếp thứ 21/46 ở châu Á, muốn có suất dự World Cup thì phải góp mặt trong tốp 10 châu lục. Đây là nhiệm vụ rất khó”. 

Trước câu hỏi, VFF sẽ làm gì từ bây giờ để hiện thực hóa giấc mơ World Cup nhiều năm qua? Ông Lê Hoài Anh trả lời: “Trước mắt VFF sẽ tiếp tục đầu tư mang tính căn cơ với các đội trẻ, để làm sao có thật nhiều đội lọt vào vòng chung kết World Cup như đội tuyển U20 mới đây”. Cũng theo Tổng thư ký VFF, chỉ có sự tập trung cho các đội tuyển trẻ như U16, U19… thì mới hy vọng cạnh tranh vé dự World Cup trong 10 năm tới. Hiện tại Việt Nam đang có lứa U16 rất tiềm năng, còn lứa U19 cũng đã có vị trí nhất định trong làng bóng châu lục.

Thay đổi cách nghĩ, cách làm

Cựu HLV trưởng ĐT Việt Nam Toshiya Miura từng rất ngạc nhiên: “Tôi không hiểu sao VFF lại phớt lờ các giải đấu cấp châu lục như Asian Cup, ASIAD và chỉ chăm chăm hướng tới SEA Games hay AFF Cup?”. Cũng bởi VFF chỉ đặt đích ngắm là các giải đấu khu vực nên mọi sự quan tâm, nguồn lực đầu tư dồn cả vào đó, còn các giải cấp châu lục tham gia với tâm lý cho có lệ. Nếu không thay đổi tư duy này, giấc mơ World Cup khó thành hiện thực.

Trong quá khứ, ĐT Việt Nam đã từng lọt tới tứ kết Asian Cup 2007 - nhóm 8 đội mạnh nhất châu Á và hoàn toàn có quyền dự World Cup 2026 nếu tái lập được thành tích trên. Từ nay tới khi điều luật tăng số đội dự World Cup được áp dụng còn 10 năm và đó là thời điểm lứa U19 hiện tại - những người đã giành vé dự World Cup U20-2017, đang ở độ chín của sự nghiệp. Nếu được đầu tư xứng tầm, đây hoàn toàn có thể là lứa cầu thủ biến giấc mơ World Cup thành hiện thực. Song đến nay vẫn chưa có một kế hoạch dài hơi nào được VFF đưa ra cho lứa U19 này, ngoài việc cho đi Đức tập huấn để phục vụ mục tiêu ngắn hạn là World Cup U20 tại Hàn Quốc. 

Điều đáng quan tâm là số phận lứa U19 này sẽ ra sao, liệu có bị “bỏ rơi” nếu không đạt được thành tích tốt (điều gần như chắc chắn xảy ra do các đối thủ đều rất mạnh)? Một thực tế đáng buồn là các lứa trẻ của ta thi đấu rất hay nhưng cứ rơi rụng dần khi trưởng thành, một phần vì không được đầu tư đúng mức. Đây cũng là vấn đề đặt ra không chỉ cho giới quản lý mà còn cho cả các “lò” đào tạo trẻ hiện nay, nơi sẽ quyết định việc thành bại của mục tiêu đoạt suất World Cup trong tương lai.