Để ngỏ cánh cửa đàm phán giải quyết hòa bình xung đột vũ trang Nga-Ukraine

ANTD.VN - Việc hai đoàn đàm phán Nga và Ukraine rời vòng đàm phán đầu tiên kể từ khi nổ ra chiến sự với cam kết sẽ trở lại “sau vài ngày nữa” đã để ngỏ cánh cửa đàm phán nhằm giải quyết cuộc xung đột vũ trang đang được cả thế giới dõi theo với sự lo lắng sâu sắc, đồng thời mong muốn các bên liên quan tìm được tiếng nói chung về một giải pháp hòa bình.
Cuộc đàm phán đầu tiên giữa Nga và Ukraine kết thúc với cam kết cùng sớm trở lại của cả hai bên

Cuộc đàm phán đầu tiên giữa Nga và Ukraine kết thúc với cam kết cùng sớm trở lại của cả hai bên

Níu giữ hy vọng đàm phán hòa bình

Kết quả cuộc đàm phán đầu tiên giữa Nga và Ukraine sau khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine hầu như không làm ai bất ngờ. Điều bất ngờ với những ai dự đoán bi quan rằng, vòng đàm phán sẽ thất bại bởi chiến sự vẫn đang lan rộng và điều kiện cũng như lập trường còn quá nhiều khác biệt giữa cả Nga và Ukraine.

Phát biểu vào chiều 28-2 sau cuộc đàm phán kéo dài gần 5 giờ được mô tả là “căng thẳng” tại vùng Gomel, gần biên giới Belarus - Ukraine, Trưởng phái đoàn Nga Vladimir Medinsky cho biết, hai bên đã xem xét toàn bộ chương trình nghị sự một cách chi tiết và đã tìm ra được những điểm để qua đó dự đoán các quan điểm chung. Ông Vladimir Medinsky cho biết, hai bên đã nhất trí tiếp tục đàm phán.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky - thành viên đoàn đàm phán Nga cho biết, lập trường của Nga về kết quả đàm phán với phía Ukraine sẽ được ban lãnh đạo nước này thống nhất trong vòng 24 giờ tới. Sau đó, Matxcơva sẽ liên hệ lại với Ukraine và sẽ xác định chính xác thời điểm cho vòng đàm phán tiếp theo.

Trong khi đó, ông Mikhailo Podolyak - Cố vấn Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết, các bên đã xác định được chủ đề ưu tiên để từ đó đề ra các giải pháp cụ thể. Ông Mikhailo Podolyak cũng xác nhận hai bên sẽ quay trở lại thủ đô của mỗi nước để tham vấn về khả năng tổ chức vòng đàm phán thứ hai. Theo Cố vấn Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, mục đích chính của Ukraine trong cuộc đàm phán lần này là thảo luận về một lệnh ngừng bắn.

Có thể thấy, dù chưa đạt được một thỏa thuận nào cụ thể, song việc hai đoàn Nga và Ukraine cùng cam kết trở lại bàn đàm phán “sau vài ngày”, đồng thời xác định địa điểm gặp nhau tiếp theo tại khu vực gần biên giới giữa Belarus và Ba Lan, là những tín hiệu tích cực, đáng chú ý. Điều này cho thấy bất chấp chiến sự vẫn đang tiếp diễn và lan rộng, cả hai Nga và Ukraine đều không đóng sập cánh cửa đàm phán, níu giữ tia hy vọng cho việc giải quyết hòa bình cuộc xung đột quân sự vừa bùng lên giữa hai bên nhưng đã mang lại những tốn thất nghiêm trọng, đặc biệt là đối với dân thường.

Dõi theo sát sao cuộc xung đột quân sự cũng như cuộc đàm phán đầu tiên giữa Nga và Ukraine kể từ khi bùng nổ chiến sự ngày 24-2 vừa qua, nhiều nhà quan sát cho rằng, cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra tại Ukraine có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro đe dọa an ninh không chỉ với châu Âu mà toàn cầu. Vì thế, việc hai bên cam kết sớm trở lại đàm phán là một bước tiến đáng ghi nhận, song các bên liên quan cần kiềm chế các bước đi làm leo thang tình hình, tiếp tục đối thoại để sớm tìm kiếm giải pháp giải quyết hòa bình cho cuộc xung đột vũ trang vừa bắt đầu này.

Con đường đúng đắn với các bên xung đột vũ trang

Mong muốn về việc Nga và Ukraine tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột quân sự ngày thêm cấp bách khi tình hình chiến sự đang có dấu hiệu lan rộng, leo thang, mang lại tổn thất ngày càng lớn hơn cho cả hai bên. Đặc biệt là những tổn thất về sinh mạng của thường dân vô tội cũng như thiệt hại những cơ sở hạ tầng dân sinh thiết yếu.

Ngay sau khi hai đoàn Nga và Ukraine rời bàn đàm phán, những hình ảnh chụp từ vệ tinh công bố sáng 1-3 cho thấy đoàn xe quân sự dài hàng chục km của Nga, trong đó có hàng trăm xe tăng, xe bọc thép và các thiết bị quân sự hạng nặng khác, trên tuyến đường cao tốc dẫn tới Thủ đô Kiev của Ukraine từ phía Bắc. Đoàn xe quân sự này dài tới 64 km và ngày càng áp sát hơn Kive.

Cùng ngày 1-3, chiến sự được ghi nhận tiếp diễn tại nhiều thành phố của Ukraine. Ngoài áp lực quân sự gia tăng ở Thủ đô Kiev, giao tranh diễn ra ác liệt ở Kharkov, thành phố lớn thứ hai đất nước, trong ngày 1-3.

Cùng với hình ảnh đoàn xe quân sự Nga áp sát Kiev là những thông tin về việc cung cấp vũ khí, trang thiết bị quân sự cho Ukraine. Ngay sau khi Liên minh châu Âu (EU) ngày 27-2 lần đầu tiên trong lịch sử nhất trí hỗ trợ vũ khí cho Ukraine - một quốc gia không phải là thành viên liên minh, nhiều nước EU đã tuyên bố hỗ trợ vũ khí cho Ukraine. Trước đó, Mỹ và nhiều thành viên NATO cũng cam kết viện trợ hàng trăm triệu USD vũ khí, thiết bị quân sự cho Ukraine.

Vũ khí chủ yếu được hỗ trợ cho Ukraine là tên lửa chống tăng, tên lửa phòng không mang vác, đạn dược… Đáng chú ý, bộ phận báo chí Hải quân Ukraine trên trang Facebook vào ngày 1-3 thông báo, các nước Bulgaria, Ba Lan và Slovakia sẽ chuyển 70 máy bay chiến đấu cho Ukraine. Thông báo nêu rõ: "Nếu cần thiết, số máy bay này có thể đồn trú tại các sân bay của Ba Lan, từ đó phi công Ukraine sẽ thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu". Theo số liệu của nguồn tin, Bulgaria sẽ chuyển 16 chiến đấu cơ MiG-29 và 12 máy bay tấn công mặt đất Su-25, Ba Lan chuyển 28 máy bay MiG-29 còn Slovakia chuyển giao 12 MiG-29.

Ngăn chiến sự leo thang, lan rộng để đàm phán tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột vũ trang tại Ukraine vào lúc này vì thế đang trở nên hết sức cấp bách trước khi quá muộn. Thông tin ngày 1-3 cho thấy, do lo ngại xung đột ngày càng ác liệt với quy mô lớn, người dân Ukraine đang phải tiếp tục bỏ nhà cửa đi lánh nạn tại các quốc gia láng giềng.

Phát biểu ngày 28-2 tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc về cuộc khủng hoảng Ukraine, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, các bên phải chấm dứt giao tranh ngay lập tức, rút hết quân; lãnh đạo cần tiến hành đàm phán và cần bảo vệ người dân. Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Abdullah Shahid nhấn mạnh, Hiến chương Liên hợp quốc nêu rõ các nước thành viên phải giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực. Người đứng đầu Đại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi các bên chấm dứt bạo lực, tôn trọng luật nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế.

Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez Parrillas sau khi hoan nghênh cuộc đàm phán đầu tiên giữa Nga và Ukraine diễn ra ngày 28-2 đã khẳng định, đây là con đường duy nhất dẫn tới giải pháp cho cuộc xung đột hiện nay. Đàm phán để giải quyết hòa bình cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine hiện nay là vô cùng khó khăn và hy vọng về điều này là rất mong manh, dù vậy đó là con đường đúng đắn nhất với các bên đang tham chiến.