Đầu tàu mua sắm

ANTĐ - Kuala Lumpur (Malaysia), Hồng Kông, Thượng Hải, Bắc Kinh (Trung Quốc) và Singapore đang nổi lên là 5 thành phố mua sắm sầm uất nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Một khu mua sắm ở Thượng Hải - Trung Quốc

Bảng xếp hạng các thành phố mua sắm tốt nhất vừa được tạp chí “The Economist” của Anh đưa ra. Sau nhiều tháng tiến hành khảo sát và đánh giá 25 thành phố lớn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương , “The 

Economist” đã kết luận tốp 5 thành phố trên là nơi mua sắm cao nhất thế giới. 

Lâu nay, định kỳ các hãng nghiên cứu thị trường hoặc các tờ báo kinh tế lớn thường tiến hành khảo sát và đưa ra các đánh giá, xếp hạng các trung tâm mua sắm lớn khu vực và thế giới. Các tiêu chí khác nhau thì bảng xếp hạng cũng khác nhau. Nếu đánh giá theo khả năng mang đến cho du khách trải nghiệm mua sắm tuyệt vời nhờ lựa chọn đa dạng về địa điểm mua sắm, mặt hàng, xu hướng sản phẩm mới nhất và cả nhưng đợt giảm giá, thì top bảng xếp hạng là những cái tên như Hồng Kông, Paris, New York hay Milan. Nếu dựa vào tiêu chí tỉ lệ bán lẻ, ta sẽ có danh sách gồm London, Paris, New York, Dubai, Madrid…

Đối với “The Economist”, 5 tiêu chí mà tạp chí này đưa ra cho đợt khảo sát lần này là: cửa hàng, văn hóa và môi trường, khách sạn và giao thông vận tải, hình thức thanh toán và sự tiện lợi. Theo tiêu chí đó, Hồng Kông đứng đầu trong danh sách là do sự bùng nổ khách du lịch từ Trung Quốc Đại lục, những người có xu hướng chi tiêu nhiều hơn so với thu nhập. Trong khi Thượng Hải và Bắc Kinh có thứ hạng cao là nhờ mức độ suy tôn khách hàng là “Thượng đế”. 

Còn Singapore, nơi vốn được coi là “thiên đường mua sắm” tuy đều lọt vào tốp 10 ở hầu hết các tiêu chí, nhất là đứng đầu trong tiêu chí về an toàn, song bị đánh giá kém về khả năng chi trả, và xếp tận thứ 19 về sự mặc cả, nên buộc phải đứng thứ 5. Việc xem xét các tiêu chí cũng thể hiện hoạt động mua sắm, một yếu tố rất quan trọng đối với ngành du lịch, ở những thành phố này. 

Xét về ý nghĩa kinh tế, mỗi cuộc bình chọn đều tạo động lực như những “khối nam châm” hút các tour du lịch đến những trung tâm mua sắm có vị trí cao trong bảng xếp hạng. Nó cũng giúp cho khách du lịch lựa chọn nơi đi du ngoạn dựa trên nhu cầu mua sắm riêng của mình. Tuy nhiên, cuộc bình chọn của “The Economist” còn có ý nghĩa khác bởi nó diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới khá ảm đạm, tác động đến túi tiền của người tiêu dùng. 

Một thực tế đang hiện rõ là xu hướng “bình dân hóa” các trung tâm thương mại, nơi trước đây vốn chỉ dành cho giới nhà giàu. Doanh thu sụt giảm do khách hàng thời thượng thưa dần buộc các chủ đầu tư phải điều chỉnh nhóm khách hàng ưu tiên sang đối tượng có thu nhập vừa phải hơn. Chính vì thế mà các yếu tố như “coi khách hàng là thượng đế” đưa Thượng Hải và Bắc Kinh lên cao trong bảng xếp hạng, thì sự cứng nhắc trong yếu tố “mặc cả” lại làm Singapore mất điểm. 

Nắm bắt được xu hướng qua các cuộc bình chọn như của tạp chí “The Economist” sẽ là cơ hội  kiếm tiền đối với ông chủ các chuỗi siêu thị mua sắm trên khắp toàn cầu.