Đặt tiêu chí cho siêu thị, cửa hàng tiện lợi: Cần hợp lý hơn, tránh làm phát sinh thêm chi phí

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Góp ý cho dự thảo Thông tư quy định về phát triển hạ tầng thương mại của Bộ Công Thương, đại diện doanh nghiệp cho rằng, một số nội dung cần hợp lý hơn, tránh để phát sinh thêm chi phí.
Các loại hình thương mại mới phải đảm bảo chất lượng hàng hóa và sự tiện lợi cho người mua

Các loại hình thương mại mới phải đảm bảo chất lượng hàng hóa và sự tiện lợi cho người mua

Theo dự thảo đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet phải có biển hiệu ghi bằng tiếng Việt Nam trước tên thương mại hoặc tên riêng do thương nhân tự đặt. Bên cạnh đó, các loại hình thương mại cũng được quy định về bãi đỗ xe, vị trí…

Đồng tình với những quy định giúp phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, văn minh hơn, nhưng bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, một số quy định cũng cần chỉnh sửa cho hợp lý.

“Ví dụ như tên gọi, biển hiệu… theo dự thảo thông tư, nếu tên sai các biển hiệu phải thay đổi. Như vậy, doanh nghiệp sẽ phải bỏ chi phí không nhỏ để sửa đổi.

Ngoài ra, quy định cửa hàng tiện lợi phục vụ khách hàng trong phạm vi 500m, Tổ soạn thảo cần đưa ra câu từ cho phù hợp nhất với hoạt động của doanh nghiệp trong nước và với các nhà đầu tư quốc tế”- bà Vũ Thị Hậu nói.

Bên cạnh đó, về tiêu chí tên hàng của các siêu thị, tổ soạn thảo cũng phải xem xét cho hợp lý, phù hợp với điều kiện quản lý.

“Chúng tôi sẽ sớm có văn bản đề xuất, ý kiến đối với dự thảo thông tư để tổ soạn thảo xây dựng được văn bản quản lý hạ tầng thương mại rõ ràng, phù hợp, tốt nhất cho cả đôi bên, đó là doanh nghiệp dễ thực thi và thuận lợi cho quản lý Nhà nước”- đại diện Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay.

Theo bà Phạm Thị Thùy Linh-Giám đốc Đối ngoại và Đầu tư miền Bắc, Tập đoàn Central Retail, dự thảo này đã gỡ bỏ một số quy định về thủ tục hành chính, có thể nói đến như: Mở quy định về đăng kí nội quy trung tâm thương mại và siêu thị, giành quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong việc phê duyệt và xây dựng các văn bản… thủ tục hành chính được đơn giản hoán.

Tuy nhiên, để các quy định được khả thi, phù hợp với thực tiễn thị trường, đại diện Central Retail đề nghị tổ soạn thảo rà soát để chọn lọc các tiêu chí phân loại hạ tầng thương mại, hướng vừa đáp ứng nhu cầu mua sắm thuận lợi của khách hàng, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp và phục vụ mục tiêu quản lý của cơ quan Nhà nước.

Bình luận về các quy định nêu trên, bà Trịnh Thị Thanh Thủy – Chuyên gia kinh tế cho hay, dù dự thảo đưa vào nhiều nội dung tham khảo từ các nước khác như: Thái Lan, Hàn Quốc… nhưng để học hỏi được kinh nghiệm của họ cũng cần phải xem xét.

Chẳng hạn như quy định có cần bãi đỗ xe hay không, bãi đỗ xe phải chưa được bao nhiêu xe, bãi đỗ có thu tiền hay không…

Theo bà Thủy, hệ thống thương mại của các nước xung quanh Việt Nam đã phát triển từ rất lâu, cho nên những quy định của họ từ trước đây giờ cũng không phù hợp vận dụng ở Việt Nam. Mặt khác, hệ thống giao thông của họ khác Việt Nam, quy hoạch đô thị họ khác mình, trình độ mua sắm, tập quán của họ cũng khác Việt Nam.

“Theo các tài liệu cũng như khi chúng tôi đi nghiên cứu, khảo sát thực tế thấy rằng, hầu hết các trung tâm thương mại và siêu thị quy mô lớn tại nhiều nước họ đều có chỗ đỗ xe và thường đặt ở ngoại vi thành phố. Họ đã có quy hoạch đầy đủ các tiện ích xung quanh với chi phí rất rẻ và theo chuỗi hệ thống phù hợp với yêu cầu của thị trường, của thành phố đó được quy định theo pháp luật của nước họ”- chuyên gia kinh tế này cho hay.

Dự thảo Thông tư quy định về phát triển hạ tầng thương mại của Bộ Công Thương vẫn đang tiếp tục được lấy ý kiến. Đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ lắng nghe các ý kiến góp ý với tinh thần cầu thị và đưa vào dự thảo tới những quy định hợp lý hơn.

Cả nước hiện có hơn 200 trung tâm thương mại, hơn 1.200 siêu thị và rất nhiều chuỗi siêu thị mini hoạt động theo nhiều phương thức giống như là cửa hàng tiện lợi (vì chúng ta chưa có tiêu chuẩn cửa hàng tiện lợi) cũng đang ngày càng bùng nổ. Số lượng cửa hàng tiện lợi ở TP HCM chiếm đến 70% các cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc.

Những hệ thống bán hàng này phát triển rất nhanh và được rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm chuyển nhượng. Từ đó, tạo ra một nét văn hóa, dịch vụ thương mại rất văn minh, hiện đại, hấp dẫn thế giới trẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.