Đảo Mykonos, “điểm nóng” về mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn khảo cổ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khoảng 20h một ngày đầu tháng 3 này, ông Manolis Psarros, một nhà khảo cổ học người Hy Lạp, đã bị tấn công khi đang rời trụ sở lấy xe ô tô đi về trong một con phố nhỏ ở Athens. Trọng tâm cuộc điều tra của cảnh sát đã hướng về hòn đảo nổi tiếng bậc nhất châu Âu, nơi các công trình xây dựng mới đã đặt lĩnh vực khảo cổ vào thế đối đầu với các nhà phát triển bất động sản.
Bài toán khó với đảo Mykonos, Hy Lạp là vừa kiểm soát việc phát triển “nóng”, vừa bảo tồn di tích khảo cổ

Bài toán khó với đảo Mykonos, Hy Lạp là vừa kiểm soát việc phát triển “nóng”, vừa bảo tồn di tích khảo cổ

Gieo rắc nỗi sợ hãi cho các nhà khảo cổ học

“Có một sự kiện lớn diễn ra vào ngày hôm sau và tôi cần xem qua các hồ sơ về Mykonos nên về muộn. Tôi nhớ mình đã tiếp cận chiếc xe nhưng sau đó thì mọi thứ trở nên mơ hồ. Tất cả những gì tôi biết là tôi bị đánh vào đầu từ phía sau với một lực mạnh đến nỗi tôi bất tỉnh”, ông Manolis Psarros kể với tờ Observer.

Nhà khảo cổ học này đã phải nhập viện hôm 8-3 vì bị gãy xương sườn, gãy mũi và mắt bị bầm tím nghiêm trọng, thị lực của ông đến nay vẫn bị suy giảm. Đối với các bác sĩ, đó là những vết thương biết nói. Ông Psarros rõ ràng là nạn nhân của một cú đánh chuyên nghiệp. Người đàn ông 52 tuổi may mắn sống sót.

Trong vòng 10 năm qua, ông Psarros phụ trách bộ phận cấp giấy phép xây dựng tại đảo Mykonos - “điểm nóng” trên biển Aegean. Ông Despoina Koutsoumba, Chủ tịch Hiệp hội các nhà khảo cổ học Hy Lạp, cho biết: “Vụ tấn công này cho thấy tình hình ở Mykonos đã trở nên mất kiểm soát như thế nào. Rõ ràng, đây là một vụ tấn công kiểu xã hội đen mà đối tượng đã theo dõi ông Manolis Psarros từ nơi làm việc. Không có động cơ nào khác ngoài những lợi ích kinh doanh khổng lồ và nhằm mục đích gieo rắc nỗi sợ hãi cho các nhà khảo cổ học”.

Trong nhiều năm, Mykonos đi tiên phong quốc tế như một sân chơi cho những người giàu có với các quán bar, quán ăn bên bãi biển. Đó là nguồn thu khổng lồ. Nhưng vụ tấn công vào quan chức phụ trách việc cấp phép xây dựng cũng đã phơi bày một mặt tối hơn: Hòn đảo có thể bị lấn át bởi những nhóm lợi ích nằm ngoài tầm với của chính quyền trung ương và luật pháp bất cứ lúc nào.

Hôm 22-3, khi Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis triệu tập cuộc họp các bộ trưởng cấp cao để thảo luận về vụ việc, các quan chức đã mô tả Mykonos là “một nhà nước trong nhà nước”. Lên tiếng về những lo ngại đó, Thủ tướng Hy Lạp cảnh báo rằng các biện pháp trật tự công cộng sẽ được thực thi. Trong những ngày tới, đợt đầu tiên trong số 100 nhân viên an ninh bổ sung bao gồm cảnh sát, điều tra viên tội phạm tài chính, thanh tra môi trường và xây dựng sẽ được điều tới Mykonos. Nhà chức trách sẽ tăng cường rà soát việc xây dựng trái phép ở cả trên đảo Mykonos và các đảo lân cận thuộc quần đảo Aegean. “Không có hòn đảo nào mà một số người nghĩ rằng họ có thể đứng trên luật pháp. Việc này sẽ phải giải quyết một cách dứt khoát”.

Đòi hỏi sự cân bằng tinh tế

Cộng đồng các nhà khảo cổ học của Hy Lạp, với không đến 1.000 người, từ lâu đã được coi là những người canh giữ di sản lịch sử phi thường của quốc gia này. Họ là bức tường thành cuối cùng chống lại sự tàn phá ngày càng nghiêm trọng để phục vụ du lịch. Nhưng với ngành công nghiệp chiếm 25% GDP và cho đến nay là động cơ lớn nhất của nền kinh tế Hy Lạp, công việc của họ đòi hỏi sự cân bằng tinh tế, vừa đáp ứng nhu cầu của du khách, vừa phải bảo tồn vẻ đẹp tự nhiên, lịch sử.

Năm ngoái, Hy Lạp đón lượng du khách lớn thứ ba trên thế giới, một sự phục hồi ngoạn mục sau đại dịch Covid-19. Các nhà đầu tư lo ngại tiến độ thi công của họ sẽ bị trì hoãn bởi thủ tục cấp phép. Trong khi, tiền phạt đối với những người vi phạm về xây dựng biệt thự, khách sạn và quán bar trên bãi biển gần hoặc trên các địa điểm cổ xưa “chẳng là gì” so với lợi nhuận thu được. Những người dân địa phương cũng than thở về sự phát triển quá nóng này.

“Chúng tôi muốn nhà nước trở thành đồng minh để bảo vệ hòn đảo”, Thị trưởng Mykonos, Konstantinos Koukas, cho biết vào tuần trước. “Chúng tôi muốn các cơ chế kiểm soát được củng cố và tất nhiên lên án bất kỳ mối đe dọa nào đối với nhân viên nhà nước. Ngày nay đó là các nhà khảo cổ học. Ngày mai sẽ là chúng tôi”.

Nhà khảo cổ học Psarros cũng muốn trở lại làm việc ngay sau khi bình phục “vì làm khác đi hoặc nếu tôi bị cách chức, sẽ gửi thông điệp sai lầm cho những kẻ tấn công tôi”.