Đạo luật còn dang dở của Tổng thống J.F. Kennedy sau vụ đánh bom 55 năm trước

ANTD.VN - Vụ xả súng vào giáo đường Do Thái ở Pittsburgh, Pennsylvania cuối tháng 10-2018 và vụ đánh bom nhà thờ của người Mỹ gốc Phi ở Birmingham, bang Alabama năm 1963 có nét tương đồng, bởi động cơ của nghi phạm đều là lòng thù hận với những cộng đồng thiểu số. Bài học từ cuộc tấn công 55 năm trước, khi mà Tổng thống Mỹ John Fitzgerald Kennedy đã làm hết sức mình để triệt tiêu tư tưởng đó có thể áp dụng cho ngày hôm nay.

Tổng thống Mỹ J.F. Kennedy lên án lòng hận thù chủng tộc trong vụ đánh bom vào một nhà thờ ở Birmingham, Alabama ngày 15-9-1963 

Ngày 27-10-2018, một người đàn ông xông vào giáo đường Do Thái Tree of Life trong khu phố ở Squirrel Hill, Pittsburgh đúng vào một buổi lễ đặt tên cho trẻ mới sinh. Tay súng này đã bắn hạ 11 người trong cuộc tấn công bài người Do Thái nguy hiểm nhất trong lịch sử gần đây của Mỹ. Nghi phạm Robert Bowers (46 tuổi) đã hét lên: “Tất cả người Do Thái phải chết” khi hắn ta nhả đạn vào giáo đường trước khi đấu súng với cảnh sát, làm bị thương 6 người.

Sự việc làm người ta liên tưởng đến sự kiện xảy ra vào tháng 9-1963, khi một quả bom được gài tại Nhà thờ Baptist đường 16 ở thành phố Birmingham phát nổ đã khiến 4 cô gái trẻ người Mỹ gốc Phi thiệt mạng, 14 người khác bị thương. Sau đó, 3 cựu thành viên nhóm Kl Klux Klansmen bị kết tội giết người.

Vụ đánh bom làm thức tỉnh lòng người 

Khi đó, Birmingham xảy ra khá nhiều cuộc xung đột chủng tộc. Tuy nhiên, vụ đánh bom nhà thờ đã làm dậy sóng khắp cả nước, ngay cả ở miền Nam nhiều người da trắng. Cái chết của 4 cô gái, lớn tuổi nhất mới 14 gây nên sự phẫn nộ trong dân chúng. Đồng hồ của nhà thờ dừng lại lúc 10h22, thời điểm xảy ra vụ đánh bom.

“Trong ngắn hạn, mỗi người Mỹ sẽ được tận hưởng những đặc quyền mà không phải lo ngại về chủng tộc hay màu da của mình”.

Tổng thống Mỹ J.F. Kennedy

 Phát biểu về vụ tấn công, Tổng thống Kennedy bày tỏ hy vọng sự kiện bi thảm ở Birmingham sẽ “thức tỉnh người dân cả nước để nhận ra sự điên rồ của bất công và thù hận chủng tộc”. Dù không nêu rõ danh tính nhưng rõ ràng ông có nhắc đến Thống đốc phân biệt chủng tộc George Wallace: “Thật đáng tiếc là sự bất đồng công khai về luật pháp và trật tự đã khuyến khích bạo lực rơi vào người vô tội”. 

Như James Reston, cây bút chính trị hàng đầu của tờ New York Times trong những năm đầu thập niên 60 đã viết, vụ đánh bom nhà thờ này đã phá hủy tất cả các khái niệm về an toàn công cộng ở Birmingham. “Ngay cả cộng đồng da trắng cũng không còn cảm thấy an toàn nữa”, mục sư Martin Luther King cũng đã phát biểu tại tang lễ cho các cô gái trẻ xấu số với sự tham dự của hơn 8.000 người. 

Vẫn chưa có biện pháp chống bạo lực hiệu quả

Tổng thống J.F. Kennedy hiểu rằng lời nói hay phản ứng mang tính tượng trưng là không đủ mà cần hành động nhiều hơn. Tháng 6-1963, trong một bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Kennedy đã đề xuất dự án luật mà sau này đã trở thành Đạo luật về dân quyền năm 1964. Tổng thống J.F. Kennedy nói: “Trong ngắn hạn, mỗi người Mỹ sẽ được tận hưởng những đặc quyền mà không phải lo ngại về chủng tộc hay màu da của mình”. Tháng 10-1963, Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã phê chuẩn các biện pháp thực thi dân quyền với số phiếu ủng hộ 20/34. Tuy nhiên, ông Kennedy bị ám sát vào tháng 11-1963 nên đạo luật mà ông mong đợi còn dang dở.

Trở lại với vụ xả súng ở Pittsburgh hồi tháng 10-2018, Tổng thống Donald Trump đã đến tận nơi để tưởng niệm các nạn nhân và chia buồn cùng thân nhân của họ. Người ta cũng thấy bầu không khí của 55 năm về trước ở Birmingham, khi rất nhiều người tập trung tuần hành để truyền đi thông điệp về sự đoàn kết và lòng yêu thương tại Trung tâm Cộng đồng Do Thái ở Squirrel Hill.

Nhưng rõ ràng là, hiện nước Mỹ vẫn chưa có những biện pháp hiệu quả để diệt trừ bạo lực đang thấm sâu vào đời sống xã hội. Cũng như Tổng thống J.F. Kennedy ngày trước, các bài phát biểu của ông không đủ để giải quyết tình trạng bạo lực, mà hậu quả không lường trước được là chính bạo lực đã cướp đi mạng sống của Tổng thống Kenney cùng em trai ông năm 1963 cũng như mục sư Martin Luther King, người hết mình đấu tranh giành quyền bình đẳng cho các sắc dân thiểu số ở nước Mỹ vào tháng 4-1968.