Đánh thuế nhà đất trên 700 triệu: Lo ngại "thuế chồng thuế"

ANTD.VN - Đồng tình với quan điểm cần xây dựng Luật Thuế tài sản nhưng các chuyên gia cho rằng cần phải nghiên cứu cách đánh và tương quan với các khoản thu khác để tránh tình trạng "thuế chồng thuế".

Bộ Tài chính mới đây đã chính thức công bố dự thảo Luật Thuế Tài sản, theo đó, Bộ này đề xuất đánh thuế đối với đất ở và nhà. Cụ thể, với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: Một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên. Đề xuất này đã dấy lên những tranh luận ở nhiều khía cạnh khác nhau.

Thu thuế tài sản thì nên giảm “tiền sử dụng đất”

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu vừa ký bản kiến nghị gửi Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan, cho rằng việc xây dựng Luật Thuế tài sản là cần thiết, tuy nhiên nếu áp dụng ở thời điểm này sẽ xảy ra tình trạng “thuế chồng thuế”.

Cụ thể, Hiệp hội này cho rằng ở đa số các nước trên thế giới, là nguồn thu quan trọng, ổn định và bền vững của ngân sách nhà nước tại địa phương, góp phần đảm bảo công bằng xã hội.

Ở nước ta, hiện nay, chưa thu thuế nhà ở, chỉ có thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, trong đó, có đất ở theo quy định của “Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp” năm 2010. Mức thuế phải nộp nhìn chung là thấp vì được tính theo bảng giá đất của cấp tỉnh, với thuế suất 0,03% (đối với đất ở trong hạn mức); 0,07% (đối với phần diện tích không quá 3 lần hạn mức); 0,15% (đối với phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức).

“Tuy nhiên, nếu Luật được ban hành tại thời điểm hiện nay sẽ xảy ra tình trạng “thuế chồng thuế”, do người tiêu dùng vừa phải nộp tiền sử dụng đất rất lớn, vừa phải nộp thuế tài sản” – công văn của HoREA cho hay.

Lý giải cho quan điểm này, ông Lê Hoàng Châu, cho rằng điểm khác biệt cơ bản là ở các nước khác thì đất đai thuộc sở hữu tư nhân, không có khoản thu ngân sách “Tiền sử dụng đất” như ở nước ta.

“Tiền sử dụng đất hiện nay không phải là một sắc thuế vì đang được quy định bởi Luật Đất đai, và là một nguồn thu quan trọng của ngân sách. Tiền sử dụng đất đang là “ẩn số”, là “gánh nặng”, cách tính tiền sử dụng đất đang tạo ra cơ chế “xin – cho”, nhũng nhiễu và doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian để hoàn tất thủ tục hành chính này.

Tiền sử dụng đất đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành nhà ở, như chiếm khoảng trên dưới 10% trong giá thành căn hộ chung cư; chiếm khoảng 30% trong giá thành nhà phố; chiếm khoảng trên dưới 50% trong giá thành biệt thự” – đại diện HoREA cho biết.

Với những lý do trên, HoREA cho rằng việc xây dựng dự án Luật Thuế tài sản (đánh thuế đất ở, nhà ở) cần đi đôi với việc sửa đổi chính sách và cơ chế tính “tiền sử dụng đất”, theo hướng quy định “tiền sử dụng đất” là một sắc thuế đánh trên hoạt động “chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở”, với thuế suất khoảng 10 - 15%, tính trên bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành, được điều chỉnh hàng năm phù hợp với giá thị trường.

Điều này nhằm đảm bảo giảm mức thu “tiền sử dụng đất” rất nặng hiện nay về mức hợp lý hơn. Trên cơ sở đó, sẽ bổ sung thuế tài sản đất ở, nhà ở, để tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách Nhà nước.

Nên đánh thuế từ căn nhà thứ hai trở đi

Cũng đồng tình với việc đánh thuế tài sản theo đề xuất của Bộ Tài chính dẫn đến tình trạng người dân bị “đánh thuế hai lần”, nhưng chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu lại nhìn nhận ở khía cạnh khác.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc đánh thuế nhà ở theo dự định của Bộ Tài chính sẽ dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, một chính sách thuế khi được ban hành phải dựa trên 2 nguyên tắc, thứ nhất là đánh thuế trên bất động sản nhưng không làm ảnh hưởng tới việc người dân mua nhà ở; thứ hai là phải đảm bảo công bằng.

Về nguyên tắc thứ nhất, hiện tại, Nhà nước đang đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ người dân mua nhà và nhiều người có thu nhập thấp đang cần chỗ ở. Vì vậy, theo chuyên gia này, khi nghĩ đến việc đánh thuế nhà ở thì cần phải xem việc này có ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách hỗ trợ người dân mua nhà hay không.

Còn đối với nguyên tắc công bằng, có nghĩa là đánh thuế tài sản thì những người giàu thì phải chịu một mức thuế cao hơn những người thu nhập thấp.

Với hai nguyên tắc trên, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nên đánh thuế từ căn nhà thứ hai trở đi. Bởi lẽ những người có thu nhập cao và kinh doanh bất động sản thì họ sẽ có từ căn nhà thứ hai.

Không chỉ vậy, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, chúng ta chỉ nên đánh thuế với quyền sử dụng đất, chứ không nên đánh thuế trên giá trị của căn nhà xây dựng trên đó. Bởi lẽ, căn nhà xây dựng trên đó được làm nên bởi nguồn thu nhập mà người dân đã trả thuế.

“Nếu chúng ta đánh thuế nhà ở đồng nghĩa với việc đánh thuế kép trên thu nhập của người dân. Nếu có đánh thuế thì chúng ta chỉ nên đánh thuế trên giá trị gia tăng (nếu có) của căn nhà mà thôi” - TS Nguyễn Trí Hiếu nói và cho biết, tại Mỹ không hề có thuế bất động sản mà chỉ có thuế đất.

“Thuế đất đó sẽ được định phần trăm giá trị của đất và người dân phải trả thuế đất hàng năm. Vì vậy, thay vì đánh thuế nhà ở, chúng ta nên đánh thuế đất từ 1-5% giá trị của đất là phù hợp với thu nhập cũng như điều kiện của người dân hiện nay” – ông nói.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển: Đánh thuế tài sản với nhà ở trên 700 triệu là hợp lý

Ở hướng hoàn toàn ngược lại, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển lại cho rằng đề xuất của Bộ Tài chính là hợp lý, ngay cả ngưỡng đóng thuế từ 700 triệu đồng ông cũng cho rằng “có tính hợp lý tương đối”.

Theo chuyên gia này, nếu có khoản thuế nào đó cần trì hoãn nộp thì đó phải là khoản thuế phí thu đều trên đa số người dân trung bình và nghèo; chứ không phải trì hoãn phần thu trên người có tài sản khá già trở lên.

“Thuế Thu nhập cá nhân đã triển khai nhiều năm, nhiều người đã nộp thuế; đa số thuộc nhóm ăn lương của công ty. Thuế này có thuế suất rất cao, ngoài phần trừ gia cảnh, thì nhiều người đã nộp khoản 10% thu nhập lao động; đặc biệt ở những người lao động thời vụ theo hợp đồng cá nhân…

Thu nhập của những người này, có thể lớn ở lúc đó, nhưng chưa thấm là bao so với tài sản một người có căn nhà cho thuê, hoặc để không (chờ lên giá)… Vậy sao một tài sản tích lũy lớn hơn nhiều, rất nhiều, đã và sẽ đem lại nguồn thu đều đặn cho người sở hữu lại không bị trích một phần nhỏ với thuế suất thấp hơn rất nhiều so với phần thu thuế TNCN?” – chuyên gia này phân tích.

Về ngưỡng tính thuế 700 triệu đồng, chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng con số này có thể phải điều chỉnh khi Quốc hội thảo luận; nhưng vẫn “có thể thấy tính hợp lý tương đối của nó”.

Theo ông, phần miễn thuế BĐS không phải ở căn nhà thứ nhất, vì điều đó là bất công với người có 3, 4 căn nhà nhỏ cấp 4; nhưng lại quá tốt cho người có 1 căn nhà to đùng, ở ngay trung tâm, xây 5 – 6 tầng cho thuê dạng phòng ở. “Vấn đề là cần miễn trừ phần diện tích để ở, và thu trên phần chênh lệch” – ông nói.

Theo ông, người có nhà đến 1 tỷ đồng theo cách tính của Nhà nước, có thể tương đương 2 – 2,5 tỷ đồng so với thị trường. Đây là những người thuộc nhóm trung bình khá trở lên.

Còn với thuế suất 0,3% - 0,4%, chuyên gia này phân tích: Chúng ta hình dung 2 người, một người bỏ 5 tỷ đồng vào làm ăn và 1 người mua căn nhà. Người bỏ vốn làm ra thu nhập, phải nộp Nhà nước 20% thuế thu nhập doanh nghiệp; còn nếu rút tiền về nhà thì phải nộp thêm 5% phần cổ tức.

Trong khi đó người có căn nhà, thì nộp 0,3% - 0,4% trên tài sản. Thu nhập cho thuê ở mức trung bình thấp là 3% tài sản, thì họ chỉ chịu thuế từ 10% - 13% so với thu nhập; còn nếu thu nhập cho thuê khoảng 5%, thì họ chỉ chịu thuế từ 6% - 8% so với thu nhập.