Đằng sau những chiêu bài là sự thù nghịch

ANTĐ - Gần đây, trên các trang mạng xã hội và thậm chí tại một số cuộc thảo luận do nhiều thành phần xã hội tổ chức đã rộ lên khái niệm thoát Trung, thoát Hán. Dưới các lời hoa mỹ quảng cáo về động cơ yêu nước của các hoạt động này, một số các vấn đề chính trị xã hội đã được đem ra mổ xẻ. Dư luận mạng cũng đã sôi nổi bàn luận và vạch rõ những mưu đồ thâm hiểm của một số thế lực thù địch và cả một số người ngây thơ khi tham gia những sự kiện này.

Chúng ta thừa nhận, trước căng thẳng quan hệ Việt - Trung do hành vi coi thường luật pháp quốc tế cũng như đạo lý của Trung Quốc khi đưa giàn khoan dầu cùng đội tàu chiến lớn vào xâm phạm vùng biển nước ta, nhiều vấn đề chính trị, kinh tế đã được đặt ra. Trước hết là những vấn đề kinh tế, tình trạng nhập siêu với Trung Quốc, tình trạng các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia vào đời sống kinh tế Việt Nam nhiều là những vấn đề cần phải xem xét để điều chỉnh phù hợp với tình hình mới. Nhưng chúng ta cũng đã nhiều lần khẳng định: Nền kinh tế chúng ta không phụ thuộc Trung Quốc, những mối quan hệ kinh tế  giữa các nước láng giềng vẫn diễn ra bình thường, được điều chỉnh bằng WTO và những hiệp định quốc tế mà chúng ta ký kết. Và nếu đối tác Trung Quốc thay đổi, chúng ta hoàn toàn có thể tìm đối tác khác thay thế. Về chính trị, Trung Quốc với chúng ta là hai quốc gia độc lập, truyền thống quan hệ với những bất trắc trong lịch sử đã chứng minh sự độc lập tự chủ của đất nước ta, Đảng ta với Trung Quốc. Những hiệp ước cũng như những cam kết hữu nghị thể hiện lòng mong muốn hòa bình, cùng phát triển trong mối quan hệ hai nước. Nó bao hàm nghĩa vụ tuân thủ của hai bên, không phải bên này phụ thuộc bên kia.

Vậy, những kêu gào thoát Trung, thoát Hán nhằm những mục đích nào? Nếu nó là những ý kiến đóng góp để chúng ta phát triển mạnh hơn, ổn định hơn thì quá tốt. Nhưng không phải vậy. Chiêu bài thoát Hán, thoát Trung cố tình ám chỉ, cố tình vu khống sự phụ thuộc nước ta với Trung Quốc mà theo họ là cản trở cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước. Với những thông tin bịa đặt, chúng đưa ra những đòi hỏi phi lý về nhiều vấn đề. Dư luận mạng đã chỉ rõ những sự phi lý của những luận điệu này.

Về đòi hỏi bỏ các mong đợi về tình hữu nghị với nhân dân Trung Quốc, chúng ta khẳng định hòa bình, ổn định là mong ước của nhân dân hai nước. Chúng ta yêu cầu Trung Quốc tuân thủ những tiêu chuẩn đó. Chúng ta không đơn phương xóa bỏ những cam kết đó nhưng như nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã phát biểu, chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng để tiến hành mọi biện pháp bảo vệ chủ quyền dân tộc. Đó cũng chính là ý tứ của Thủ tướng Nhật Bản ngày 7-7 vừa qua đã gửi tới Trung Quốc một đề nghị cải thiện quan hệ hai nước, giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển một cách hòa bình. Xóa bỏ mục tiêu hòa bình hữu nghị, đẩy đất nước vào một cuộc chiến mới không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho những kẻ xâm lược mà cả thiệt hại cho đất nước ta. Đó chưa và không phải mục đích của Đảng và Nhà nước ta trong thời điểm này. 

Trên diễn đàn nhiều kẻ còn đòi hỏi phải đưa nhiều lực lượng vào môi trường chính trị Việt Nam để tránh sự ràng buộc với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Dư luận đã vạch rõ sai trái trong luận điểm này. Thứ nhất Đảng Cộng sản Việt Nam là một đảng chính trị độc lập với Đảng Cộng sản Trung Quốc với những mục tiêu khác nhau. Còn các lực lượng chính trị khác? Họ có gì để chứng minh họ có mục đích và sức mạnh vì dân tộc Việt Nam hay họ chỉ là cái bóng của những thế lực nước ngoài, suốt ngày chỉ bám vào những tranh chấp, những khó khăn của đất nước để khiêu khích, để gây rối để cản trở sự phát triển đất nước?