Đang rà soát, đánh giá chi phí kinh doanh định mức xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ Tài chính đã đề nghị các thương nhân đầu mối báo cáo chi phí kinh doanh xăng dầu theo quy định, trên cơ sở đó sẽ tổng hợp, rà soát và đánh giá.

Đang tổng hợp báo cáo của các thương nhân

Đây là thông tin vừa được Bộ Tài chính cho biết trước các kiến nghị về điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở xăng dầu.

Theo Bộ Tài chính, hiện nay, mức chi phí kinh doanh định mức đối với các mặt hàng xăng RON95, E5RON92 lần lượt là 1.050 đồng/lít và 1.250 đồng/lít; đối với các mặt hàng dầu Diezen 0,05s, dầu hỏa, dầu madut lần lượt là 1.000 đồng/lít; 950 đồng/lít và 561 đồng/lít (theo công văn số 5837 ngày 3/6/2021 của Bộ Tài chính).

Việc rà soát, đánh giá điều chỉnh chi phí trong kinh doanh xăng dầu đã và đang được Bộ Tài chính rà soát hàng năm theo quy định và cần phải dựa trên báo cáo chuyên đề chi phí kinh doanh được kiểm toán gửi về Bộ Tài chính (kỳ báo cáo chậm nhất 31/3 hàng năm).

Bộ Tài chính cho hay, hiện nay, với xu hướng giá thế giới tăng cao, thì việc tăng chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở sẽ tác động thêm làm tăng giá xăng dầu trong nước và qua đó tác động đến người tiêu dùng.

Do đó, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, để tiếp tục triển khai cho năm 2022 theo quy định, Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) đã có công văn số 95/QLG-TLSX ngày 18/02/2022 đề nghị các thương nhân đầu mối báo cáo chi phí kinh doanh theo quy định (gửi về trước 31/3/2022); trên cơ sở đó sẽ tổng hợp, rà soát và đánh giá.

Bộ Tài chính đang tổng hợp, rà soát chi phí định mức kinh doanh xăng dầu

Bộ Tài chính đang tổng hợp, rà soát chi phí định mức kinh doanh xăng dầu

Giữ nguyên chu kỳ điều hành giá

Ngoài ra, cũng có một số kiến nghị về việc linh hoạt thời gian điều hành giá xăng dầu. Vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu thì thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ. Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.

Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.

Trên thực tế, Nghị định 95/2021/NĐ-CP đã giảm chu kỳ điều hành xuống còn 10 ngày so với trước đây (15 ngày). “Thời gian điều hành giá như trên là phù hợp với thực tế mua bán xăng dầu của đa số các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và giúp giá trong nước phản ánh sát với giá xăng dầu trên thị trường thế giới; đồng thời cũng góp phần đảm bảo được tính công khai, minh bạch trong công tác điều hành giá” – Bộ Tài chính cho hay.

Theo quy định tại Nghị định số 95, giá bán xăng dầu trong nước được thực hiện theo cơ chế thị trường và phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì điều hành; Bộ Tài chính phối hợp.

Trước diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua tiếp tục được thực hiện công khai, minh bạch và nhất quán theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã được sử dụng linh hoạt, hiệu quả, góp phần giảm mức tăng giá xăng dầu trong nước. Đồng thời, Bộ Công Thương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu; đi đối với công tác kiểm soát thị trường và tăng cường công tác dự báo.