Bộ Công Thương đề nghị tính lại chi phí, lợi nhuận định mức trên mỗi lít xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Trước diễn biến giá xăng dầu tăng mạnh thời gian qua và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính rà soát, tính toán lại các chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu.
Một số loại phí xăng dầu đã áp dụng từ năm 2014, cần xem lại tính phù hợp

Một số loại phí xăng dầu đã áp dụng từ năm 2014, cần xem lại tính phù hợp

Các loại phí được Bộ Công Thương gợi ý Bộ Tài chính xem xét lại gồm: mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức đã áp dụng từ 2014, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (Premium) và các loại thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường.

Mục đích của việc xem xét, điều chỉ này là nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu, đảm bảo thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh trong quá trình phục hồi kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ.

Theo Bộ Công Thương, trong 2 tháng đầu năm, giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã tăng. Ngoài yếu tố mùa vụ thì chi phí giá xăng dầu cũng góp phần thúc đẩy việc tăng giá.

Từ năm 2014, lợi nhuận định mức được quy định trong công thức tính giá cơ sở là 300 đồng/ lít, chi phí định mức khoảng 1.050-1.150 đồng, tuỳ loại xăng, dầu.

Trong khi đó, thuế bảo vệ môi trường đang thu "cứng" 3.800 - 4.000 đồng mỗi lít với xăng; 1.000-2.000 đồng một lít với các mặt hàng dầu. Các chuyên gia đã nhiều lần đề cập đến việc xem xét giảm sắc thuế này nhằm “hạ nhiệt” giá xăng dầu.

Ngày 3-3, Bộ Tài chính cho biết Bộ này đang xin ý kiến về việc giảm 1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng và các loại dầu, trừ dầu hỏa. Mức giảm đối với dầu hỏa và mỡ nhờn thấp hơn.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, nguồn cung xăng dầu sẽ đảm bảo trước mắt tới tháng 3-2022. Bộ đã họp và tăng lượng nhập khẩu, nhằm đảm bảo từ quý 2-2022 có đủ nguồn cung xăng dầu, kể cả khi nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chưa đáp ứng được sẽ tăng cường nhập khẩu, cố gắng đáp ứng cao nhất mức nhu cầu của người dân.

Trường hợp giá xăng dầu biến động mạnh bất thường, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống của người dân thì liên Bộ Công Thương và Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định thời gian điều chỉnh giá bán trong nước thay vì quy định 10 ngày 1 lần như Nghị định 95.