Đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều: Phải lấy Iran làm hình mẫu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có thể phát triển theo kịch bản quá trình đàm phán Mỹ-Iran khôi phục JCPOA.

Mỹ-Nhật-Hàn họp bàn về vấn đề Triều Tiên

Ngày 30-1-2022 vừa qua, Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo tầm trung có tốc độ vượt hơn âm thanh 16 lần (Mach16). Giới chuyên gia nhận định rằng, đây chính là loại tên lửa “Hỏa tinh-12” (Hwaseong-12) mà Triều Tiên cũng đã thử nghiệm vào năm 2017.

Được biết, vụ phóng tên lửa “Hwaseong-12” đã là vụ thử vũ khí thứ bảy của Triều Tiên trong năm nay.

Bình luận về vấn đề này, giới chức Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản tuyên bố rằng, vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và công khai thách thức những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, nhằm tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho vấn đề ổn định và hòa bình cũng như phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, giới chức quân sự lại có những động thái trái ngược với giới ngoại giao. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã có cuộc điện đàm về Triều Tiên vào ngày 9 tháng 2.

Các vị Bộ trưởng hạn chế việc lên án các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, mà chỉ tập trung vào những khía cạnh công nghệ kỹ thuật của tên lửa. Họ cũng không có phản ứng gì trước thông cáo của Bình Nhưỡng lời kêu gọi Mỹ và đồng minh từ bỏ chính sách thù địch, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và không tiến hành các cuộc tập trận chung đe dọa an ninh Triều Tiên.

Đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều đang càng trở nên cấp bách trong bối cảnh Triều Tiên liên tiếp phóng thử tên lửa
Đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều đang càng trở nên cấp bách trong bối cảnh Triều Tiên liên tiếp phóng thử tên lửa

Điều này đã khiến giới phân tích chú ý. Một số nhận định cho rằng, điều này là do sắp tới sẽ có cuộc tham vấn ba bên giữa giới chức ngoại giao Mỹ-Nhật-Hàn ở Hawaii để đưa ra giải pháp cho vấn đề Triều Tiên, nên giới quân sự hạn chế đưa ra bình luận.

Mặc dù vậy, các chuyên gia đã đánh giá rất thấp về cơ hội đạt được tiến bộ trong việc giải quyết vấn đề tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên trong các cuộc tham vấn ba bên Mỹ-Nhật-Hàn tại Hawaii, bởi tiến bộ không thể đạt được nếu thiếu đi sự tham gia và hợp tác của Bình Nhưỡng.

Đàm phán Mỹ-Triều và cách tiếp cận vấn đề Iran

Hiện nay, Triều Tiên đã chế tạo thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và sở hữu công nghệ bom nhiệt hạch (bom H) nên Mỹ không còn cách nào ngăn chặn nước này bước vào “câu lạc bộ” hạt nhân thế giới. Vậy nên, cách tiếp cận bằng sức mạnh sẽ không còn hiệu quả, trước sau gì Washington cũng phải ngồi xuống bàn đàm phán với Bình Nhưỡng.

Theo nhận định của giới chuyên gia, việc loại bỏ mối lo ngại của Washington về chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, cùng với việc giải quyết mối lo ngại của Triều Tiên về an ninh của đất nước sẽ chỉ có thể đạt được nếu các bên đối thoại trực tiếp với nhau và cuộc đàm phán giữa hai bên có thể được kích hoạt trong thời gian tới.

Đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều chỉ có thể thành công nếu học theo cách tiếp cận vấn đề hạt nhân Iran?
Đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều chỉ có thể thành công nếu học theo cách tiếp cận vấn đề hạt nhân Iran?

Ngoài ra, để hai bên ngồi lại với nhau đã là khó nhưng để đạt được “một cái gì đó” thì còn khó hơn nhiều, do đó, nếu muốn đạt được thỏa thuận với Triều Tiên, Mỹ sẽ phải có cách tiếp cận giống như với Iran.

Liên hệ với tình hình xung quanh vấn đề hạt nhân Iran cho thấy, trong trường hợp của Triều Tiên, các bên không còn lựa chọn nào khác là giải quyết những khác biệt thông qua đàm phán, từ bỏ áp lực vô căn cứ và các biện pháp trừng phạt đơn phương, giống như trong cách hành xử với Iran.

Hiện nay, các cuộc đàm phán để đưa Mỹ và Iran trở lại tuân thủ Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) về chương trình hạt nhân của Iran đang tiến tới những giải pháp cuối cùng. Giới chuyên gia cho rằng, Mỹ và Iran sớm muộn gì cũng đạt được thỏa thuận.

Giới phân tích ghi nhận những nỗ lực ngoại giao của Mỹ và châu Âu, trong việc đệ trình một gói đề xuất giải quyết các vấn đề còn tồn tại, cũng như quyết định gần đây của Nhà Trắng rút lại các lệnh trừng phạt đối với một số dự án của Iran trong lĩnh vực nguyên tử hòa bình, bao gồm cả lò phản ứng nước nặng ở Arak.

Từ thực tế vấn đề Iran, cách tiếp cận trên là bước đi đúng đắn để giải quyết vấn đề và để đạt được thỏa thuận, trước sau gì thì Mỹ và Triều Tiên cũng sẽ bước đi theo con đường tương tự.