Ảnh minh họa
Lấy mạng người không cần lý do
Tháng 4-2011, tại St Louis, Missouri, ông Hoàng Nguyễn, 72 tuổi, một người gốc Việt bị tấn công tới chết. Bà Yên, 62 tuổi - vợ ông Hoàng bị thương. Nguyên nhân cuộc tấn công được cho là có liên quan đến trò chơi đầy bạo lực Knockout. Sát thủ trong vụ án mạng này sau đó được xác định là Elex Murphy, 18 tuổi. Hắn bị kết án tù chung thân, thụ án được ít nhất 25 năm mới được hưởng ân xá.
Tháng 7-2012, tại thành phố Rogers Park (Chicago), ông Delfino Mora, 62 tuổi bị 3 thanh thiếu niên đánh đập tới chết. Một kẻ trong nhóm có tên Anthony Malcolm đã quay, ghi lại toàn bộ cuộc tấn công man rợ vào điện thoại của mình, sau đó đăng tải lên Facebook. Hắn bị kết án 30 năm tù. Hai kẻ khác nhận mức án lần lượt 20 - 25 năm tù. Nguyên nhân của cuộc tấn công được xác định là do hung thủ đã học theo một phần của một trò chơi “point ‘em out, knock ‘em out”.
Năm 2013 - là một năm đánh dấu một loạt các cuộc tấn công dẫn đến những cái chết đau đớn, oan khuất, mà nguyên nhân tất cả đều do hung thủ tái hiện theo tựa game đầy bạo lực Knockout. Tháng 5-2013, Michael Daniels, 51 tuổi ở Syracuse, New York, qua đời sau một ngày bị nhóm thanh niên bị tấn công.
Ralph Santiago, một người dân vô gia cư khuyết tật ở Hoboken, New Jersey. Cổ của ông bị gãy, xác bị vướng vào giữa hai hàng rào gai. Cảnh sát đã tìm ra hung thủ là 3 cậu thanh niên tuổi từ 13 đến 14. Chúng khai nhận muốn tái hiện lại một vài phân cảnh trong trò chơi Knockout.
Ngày 24-10-2013 tại Katy, Texas, một người trung tuổi Mỹ gốc Phi bị tấn công và phải nhập viện. Hai tuần sau, sau khi xem một đoạn video được ghi bằng điện thoại cá nhân về một cuộc giết người bằng nắm đấm trên mạng xã hội, một sĩ quan cảnh sát đã xác định được đối tượng là Conrad Alvin Barrett. Khi bị bắt, Barrett khai nhận cách thức phạm tội của hắn được mô phỏng theo trò chơi Knockout.
Tờ Yale Daily News cho biết, riêng tại New Haven (Connecticut) đã có 7 cuộc tấn công trong tháng 11-2013, các nạn nhân đều bị tấn công theo kịch bản các game bạo lực Knockout. Trong khi đó, tờ The New York Times cũng ghi nhận, ngày càng gia tăng các tội phạm bạo lực diễn ra trên cách thành phố lớn ở Mỹ có liên quan đến trò Knockout.
Tội ác từ cú “đấm nốc ao” và những biến tướng
Một xu hướng bạo lực lạ lùng đang bùng phát trong giới trẻ tại Mỹ, kịch bản của chúng đều được tái hiện theo các tựa game đầy bạo lực như “knockout”, “knockout king”, “point ‘em out, knock ‘em out”, “bomb”, “polar-bearing” hay “polar-bear hunting” trên các hệ máy chơi game như: PS2-PS3, Nintendo, Xbox… Trào lưu này có tên “Knockout Game” với mục tiêu là người chơi phải hạ gục một người bất kỳ bằng 1 cú đấm và quay lại clip để khoe. Người chơi - kẻ tấn công là một hoặc một nhóm người cố gắng loại bỏ một nạn nhân bất kỳ mà không cần nghi ngờ, không cần lý do, nạn nhân thường bị chấn thương nghiêm trọng và thậm chí là tử vong.
“Knockout Game” đang hoành hành dữ dội trên khắp nước Mỹ, chủ yếu tập trung xung quanh khu vực tàu điện ngầm tại New York và Washington. Các phương tiện truyền thông cho biết trò chơi này không chừa một ai kể cả người già và phụ nữ có con nhỏ. Hãng CBS đã làm một phóng sự để tìm hiểu những đối tượng trong trào lưu kỳ quặc này. Một thiếu niên cho biết: “Bạn chỉ hạ gục họ, bạn đấm họ một đấm và nhặt những thứ họ mang theo mình”. Một số khác cho biết chỉ tham gia cho vui, một vài thanh thiếu niên khác lại nói rằng chúng chỉ đơn giản muốn kiểm tra sức mạnh của mình.
Nguy hiểm hơn, hiện nay trò chơi này ngày càng có nhiều biến tướng khác nhau ở khắp nước Mỹ. Tại Lansing, bang Michigan, những thanh thiếu niên không dùng nắm đấm mà sử dụng súng điện Taser. Không chỉ đấm người lạ, bọn chúng còn quay clip trực tiếp và đăng lên Facebook để khoe chiến tích. Theo kênh CNN, gia đình của những đứa trẻ này khi bị bắt hết sức ngỡ ngàng về hành động của con mình.