Đại dịch đẩy nhiều người Ấn Độ vào cảnh nợ nần

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại dịch Covid-19 đã làm tăng số người nghèo của Ấn Độ - những người có thu nhập chưa đầy 2 USD mỗi ngày - lên 75 triệu người. K Srinath Reddy, Chủ tịch Tổ chức Y tế Công cộng của Ấn Độ cho biết: “Nếu xem xét nguyên nhân hàng đầu khiến mọi người bị đẩy vào cảnh nợ nần hoặc nghèo đói, đó thường là bỏ tiền túi chữa bệnh và chi phí điều trị”.
Người Ấn Độ hầu hết phải tự trả khoảng 63% chi phí y tế, nên nhiều gia đình kiệt quệ vì chi phí điều trị Covid-19

Người Ấn Độ hầu hết phải tự trả khoảng 63% chi phí y tế, nên nhiều gia đình kiệt quệ vì chi phí điều trị Covid-19

Chi phí điều trị tiêu hết tiền tiết kiệm của gia đình

Khi đại dịch đang hoành hành tại Ấn Độ vào mùa xuân năm nay, ông Anil Sharma phải chăm cậu con trai 24 tuổi Saurav tại một bệnh viện tư nhân ở Tây Bắc New Delhi mỗi ngày trong hơn 2 tháng. Đến tháng 5, khi số ca nhiễm mới của Ấn Độ phá kỷ lục toàn cầu đạt 400.000 ca mỗi ngày, Saurav phải dùng máy thở. Hình ảnh chiếc ống chạy vào cổ họng Saurav đã hằn sâu trong tâm trí ông Sharma. “Tôi phải tỏ ra mạnh mẽ khi ở bên con trai nhưng ngay khi rời khỏi phòng, tôi gần như suy sụp”.

Saurav hiện đã về nhà, vẫn còn yếu và đang hồi phục. Nhưng niềm vui của gia đình này “ngắn chẳng tày gang” bởi một núi nợ chồng chất từ việc điều trị. Do không có bảo hiểm y tế, ông Sharma đã dùng hết số tiền tích cóp được để trả tiền xe cứu thương, xét nghiệm, thuốc men và giường chăm sóc đặc biệt. Sau đó ông phải đi vay ngân hàng, vay mượn bạn bè, người thân, thậm chí cầu xin sự giúp đỡ trực tuyến trên Ketto, một trang web gây quỹ cộng đồng của Ấn Độ.

Nhìn chung, chi phí điều trị hết 50.000 USD, trong đó một nửa là nợ cần phải trả. “Chúng tôi đấu tranh để con trai mình có cơ hội sống sót. Tôi là một người cha đáng tự hào và bây giờ tôi đã trở thành một người ăn xin”, ông Sharma nói.

Tại thành phố Imphal, bang Manipur, cô Diana Khumanthem mất cả mẹ và chị gái hồi tháng 5-2021 sau khi họ nhiễm Covid-19. Chi phí điều trị đã tiêu hết tiền tiết kiệm của gia đình. Bệnh viện tư nhân nơi chị gái cô qua đời nhất định không trả thi thể bệnh nhân để làm lễ chôn cất nếu gia đình không thanh toán hết hóa đơn điều trị 5.000 USD. Diana Khumanthem đã phải mang đồ trang sức của gia đình ra bán, nhưng vẫn chưa đủ. Cô đành gọi bạn bè, người thân và đồng nghiệp chị gái giúp đỡ để rồi hiện giờ vẫn còn nợ 1.000 USD.

Tầm quan trọng của bảo hiểm và y tế công

Cuộc sống tạm thời trở lại bình thường ở Ấn Độ khi số ca nhiễm Covid-19 đang giảm dần, nhưng hàng triệu người, giống như gia đình ông Sharma đang chìm trong cơn ác mộng với đống hóa đơn y tế khổng lồ. Người Ấn Độ tự trả khoảng 63% chi phí y tế. Trong khi đó, các hoạt động sản xuất kinh doanh đã hoạt động trở lại khi các thành phố mở cửa sau đợt phong tỏa nghiêm ngặt vào tháng 3-2020, nhưng các nhà kinh tế dự đoán, khoảng 12 triệu người đã mất việc.

“Nếu xem xét nguyên nhân hàng đầu khiến mọi người bị đẩy vào cảnh nợ nần hoặc nghèo đói, đó thường là bỏ tiền túi chữa bệnh và chi phí điều trị thảm khốc”, ông K Srinath Reddy, Chủ tịch Tổ chức Y tế Công cộng của Ấn Độ nhận định.

“Những gì chúng ta thấy là sự chắp vá của bảo hiểm công chưa hoàn thiện và hệ thống y tế công cộng kém. Đại dịch đã cho thấy hai điều này tồi tệ và không bền vững như thế nào”, ông Vivek Dehejia, một nhà kinh tế đã nghiên cứu chính sách công ở Ấn Độ cho hay.

Một chương trình bảo hiểm y tế do Thủ tướng Narendra Modi đưa ra vào năm 2018 nhằm bảo hiểm cho khoảng 500 triệu người trong số 1,3 tỷ dân của Ấn Độ và là một bước quan trọng trong việc giảm chi phí y tế. Nhưng nó không bao gồm chi phí chăm sóc chính và chi phí ngoại trú, bao gồm hầu hết các chi phí tự trả. Vì vậy, nó đã không “cải thiện hiệu quả khả năng tiếp cận chăm sóc và bảo vệ rủi ro tài chính”, một bài báo của các nhà nghiên cứu tại Đại học Duke cho biết.

Theo phân tích của Viện Y tế Toàn cầu Duke và Tổ chức Y tế Công cộng của Ấn Độ, chi phí ở giường chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân Covid-19 tương đương với mức lương trung bình trong gần 16 tháng. Trong khi đó, ngân sách cho ngành y tế của Ấn Độ chỉ khoảng 1,6% GDP, tương đương mức chi ở Lào hoặc Ethiopia.

Những gì chúng ta thấy là sự chắp vá của bảo hiểm công chưa hoàn thiện và hệ thống y tế công cộng kém. Đại dịch đã cho thấy hai điều này tồi tệ và không bền vững như thế nào”

Ông Vivek Dehejia (Nhà kinh tế nghiên cứu chính sách công ở Ấn Độ)