Cứu trẻ em là cứu thế giới

ANTĐ - Tương lai của thế giới phụ thuộc vào trẻ em. Ấy thế nhưng cuộc sống của trẻ em trên trái đất hiện nay đang làm người ta phải lo ngại.

Cảnh lao động trẻ em ở Pakistan

Hôm 14-6 vừa rồi, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) đưa ra con số cảnh báo trong năm 2010, trung bình cứ 1.000 trẻ sơ sinh trên thế giới thì có 57 trẻ tử vong. Hàng năm có nhiều triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở khu vực Nam sa mạc Sahara châu Phi và Nam Á chết do các căn bệnh hoàn toàn có thể chữa trị được. Còn theo một báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong 215 triệu trẻ em trên thế giới thì có khoảng 115 triệu em đang tham gia những công việc nguy hiểm. Cứ mỗi phút trôi qua là có một trẻ em bị tai nạn, bệnh tật hoặc chấn thương do lao động.

Cũng theo báo cáo của ILO, số trẻ em bị buộc tham gia các công việc nguy hiểm nhiều nhất ở châu Á và Thái Bình Dương, lên tới 48 triệu em và chiếm 5,6% tổng số trẻ em trên toàn thế giới. Theo sau là Mỹ Latinh và các nước khu vực cận Sahara. Báo cáo của ILO còn cho thấy không chỉ những nước đang phát triển mới nảy sinh vấn đề sử dụng lao động trẻ em vào những công việc nguy hiểm mà xảy ra cả ở Mỹ và châu Âu.

Chính vì thế Quỹ Nhi đồng LHQ cùng các đối tác chính phủ, xã hội dân sự, khu vực kinh tế tư nhân và các tổ chức tôn giáo đã khởi động chiến dịch toàn cầu nhằm chấm dứt tình trạng trẻ bị tử vong do những bệnh có thể phòng ngừa. Các tổ chức này đã lên tiếng kêu gọi thế giới hành động để giảm số trẻ sơ sinh bị thiệt mạng từ mức 57/1000 xuống dưới 20 trẻ vào năm 2035. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có 45 triệu trẻ em trên toàn cầu giữ được tính mạng vào năm 2035.

Để đạt được mục tiêu này, Quỹ Nhi đồng LHQ cho rằng cần tập trung vào 5 lĩnh vực chủ chốt: tăng cường các nỗ lực cứu trẻ em ở 24 nước hiện chiếm tới 80% tổng số trẻ em dưới 5 tuổi bị chết trên toàn cầu; tăng cường quyền tiếp cận y tế của dân cư hiện chưa được tiếp cận rộng rãi các dịch vụ y tế; xử lý tốt hơn 5 nguyên nhân hiện khiến 60% số trẻ em bị chết trên thế giới bao gồm các bệnh viêm phổi, tiêu chảy, sốt rét, sinh non và tử vong trong thời gian sinh đẻ. 

Tổng Giám đốc UNICEF A. Lake nhấn mạnh thế giới đã có các công cụ, các biện pháp điều trị và kỹ thuật để cứu hàng triệu trẻ em mỗi năm. Tuy nhiên, thế giới cũng cần đổi mới các công cụ này, cũng như tăng cường ý chí chính trị để kết quả của những nỗ lực quốc gia và quốc tế tới được trẻ em. Ngoài các chương trình y tế, UNICEF khẳng định mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được bằng việc các nước cần tập trung đầu tư vào giáo dục trẻ em gái, trao quyền cho phụ nữ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phổ quát, nhất quán quanh mục tiêu chung và sử dụng các tiêu chuẩn chung để đánh giá các tiến bộ của tiến trình cứu trẻ em toàn cầu.

Với nạn lạm dụng lao động trẻ em, Tổ chức Lao động quốc tế cho biết nguyên nhân căn bản là do hoàn cảnh gia đình buộc các em phải tham gia kiếm tiền, giá lao động trẻ em rẻ mạt, trẻ em dễ sai bảo hơn người lớn và cũng thường ít dám phàn nàn hay cãi lại. Các em bị buộc phải làm nhiều giờ hơn người lớn. Để chấm dứt vấn nạn này, ILO kêu gọi giám sát kết quả và chú ý hơn đến trẻ em bị thiệt thòi nhất về xã hội và trẻ em dễ bị tổn thương về xã hội. Hiện nay, trong tổng số 183 nước thành viên của ILO, đã có 173 nước cam kết giải quyết vấn đề lao động trẻ em.