Cứu người, gặp họa

ANTĐ - Làm việc vì lợi ích của người dân và cộng đồng, song nhân viên y tế trở thành một nghề nguy hiểm ở không ít nơi trên thế giới với gần một nghìn vụ bạo lực khiến ít nhất 150 người thiệt mạng.

Cứu người, gặp họa ảnh 1
Các nhân viên y tế đang mở chiếc thùng xe tải chở lương thực viện trợ 
cho người dân ở Cộng hòa dân chủ Congo


Trong báo cáo “Bạo lực ảnh hưởng tới chăm sóc sức khỏe” công bố ngày 15-5 tại Geneva (Thuỵ Sĩ), Ủy  ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng bạo lực tràn lan nhằm vào các tổ chức và nhân viên y tế ở nhiều nơi trên thế giới. Theo ICRC, điều này khiến hàng triệu người dân không được chăm sóc sức khoẻ, cứu chữa bệnh.

Báo cáo dựa trên kết quả điều tra, khảo sát của ICRC cho thấy đã xác định được 921 trường hợp bạo lực liên quan đến de dọa, bắt cóc và giết hại nhân viên y tế diễn ra trong năm 2012 tại 22 nước trên thế giới. Các vụ bạo lực này đã làm ít nhất 150 nhân viên y tế, cả của các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ, bị thiệt mạng. Ngoài ra còn có 73 nhân viên y tế bị bắt cóc và một số lượng lớn hơn bị đe dọa.

Phát biểu tại buổi công bố báo cáo, ông Pierre Gentile, người đứng đầu dự án “Y tế bị đe dọa” của ICRC cho rằng những con số trên chỉ là “phần nổi của tảng băng”. Bởi theo ông, phần lớn các vụ tấn công nhằm vào nhân viên y tế đang làm việc trong các phòng khám, đỡ đẻ hay trong xe cứu thương... đã không được thống kê đầy đủ. 

Báo cáo của ICRC nhấn mạnh tới 2 xu hướng mới đáng lo ngại trong các vụ bạo lực nhằm vào nhân viên y tế nổi lên trong năm qua. Đó là trường hợp các nhân viên y tế tới hiện trường cấp cứu nạn nhân của tấn công khủng bố có thể là mục tiêu của một vụ nổ tiếp theo được điều khiển từ xa, và các vụ tấn công nhằm vào những người đang tiến hành chiến dịch tiêm chủng mở rộng. 

ICRC tỏ ra đặc biệt lo ngại về khuynh hướng “bạo lực kép”, tấn công khi các nhân viên y tế tới hiện trường vụ bạo lực để cấp cứu các nạn nhân. Theo số liệu nghiên cứu, các trường hợp nhân viên y tế và cứu trợ bản địa bị tấn công khi tới hiện trường chiếm tới 91% tổng số vụ bạo lực nhằm vào nhân viên y tế.

Bạo lực nhằm vào nhân viên y tế không chỉ vi phạm nghiêm trong luật pháp quốc tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc chăm sóc sức khoẻ người dân, đặc biệt là những người ở các khu vực diễn ra xung đột và bạo lực. Rất nhiều tổ chức và nhân viên y tế, cứu trợ đã buộc phải rút chương trình cũng như nhân sự khỏi những nơi xảy ra các vụ tấn công nghiêm trọng.

Theo ICRC, nhiều cộng đồng dân cư tại Mỹ Latin đã không được hưởng dịch vụ chăm sóc y tế do nhân viên buộc phải rời đi vì không chịu được áp lực và đe dọa. Trong khi đó, tại khu vực miền Nam sa mạc Sahara ở châu Phi và Nam Á, nhiều trẻ em đã tử vong vì những căn bệnh có thể dễ dàng phòng ngừa trong điều kiện bình thường, nếu các cuộc xung đột vũ trang không ngăn cản chúng tiếp cận dịch vụ y tế. 

Một trong những vụ tấn công nghiêm trọng gây chấn động dư luận là 7 nhân viên y tế trong chiến dịch thanh toán bệnh bại liệt do LHQ tài trợ bị bắn chết ở Pakistan hồi cuối năm 2012. Sau những vụ tấn công liên tục và có chủ đích này, toàn bộ nhân viên y tế đã phải rút về trụ sở để bảo đảm an toàn tính mạng. Đó là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Pakistan hiện là 1 trong số 3 quốc gia trên thế giới, cùng với Afghanistan và Nigeria, chưa thanh toán được căn bệnh bại liệt.