Cựu Giám đốc Ủy ban Olympic Tokyo bị bắt vì cáo buộc tham nhũng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ông Haruyuki Takahashi, cựu Giám đốc điều hành của Ủy ban Olympic Tokyo 2020, Nhật Bản đã bị bắt giữ hôm 17-8 vì tình nghi nhận hối lộ từ nhà bán lẻ thời trang Aoki Holdings.
Ông Haruyuki Takahashi, quan chức thể thao quyền lực của Nhật Bản, bị bắt vì tình nghi nhận hối lộ

Ông Haruyuki Takahashi, quan chức thể thao quyền lực của Nhật Bản, bị bắt vì tình nghi nhận hối lộ

Giao dịch liên quan đến hợp đồng tài trợ Thế vận hội

Ông Haruyuki Takahashi, 78 tuổi, cựu Giám đốc quản lý cấp cao của Công ty quảng cáo lớn nhất Nhật Bản Dentsu và là một nhân vật quyền lực trong giới thể thao, được cho là đã nhận 51 triệu yên từ nhà bán lẻ quần áo Aoki Holdings. Ngoài ông Takahashi, các công tố viên Nhật Bản đã bắt giữ Hironori Aoki, người sáng lập và cựu Chủ tịch của Aoki Holdings, cùng hai người khác: Takahisa Aoki, 76 tuổi, em trai của người sáng lập, cựu Phó chủ tịch hãng và Katsuhisa Ueda, 40 tuổi, Giám đốc điều hành Aoki.

Cựu quan chức Ủy ban Olympic bị nghi ngờ đã nhận tổng cộng 51 triệu yên hối lộ qua hơn 50 khoản thanh toán từ ông Hironori Aoki - người đã nghỉ hưu từ tháng 6-2022 và những người khác từ tháng 10-2017 đến tháng 3 năm nay. Ông Aoki và những người khác được cho là hối lộ để đổi lấy các thỏa thuận thuận lợi cho các hợp đồng tài trợ của Thế vận hội.

Theo quy định, ông Takahashi không được phép nhận tiền và quà tặng liên quan đến công việc khi ông đang làm Giám đốc điều hành của Ban tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020, được tổ chức vào năm ngoái sau khi các sự kiện thể thao lớn hàng đầu thế giới bị hoãn vì dịch Covid-19.

Nhiều nhân viên của Dentsu, đại lý tiếp thị độc quyền của Olympic Tokyo, đã được biệt phái vào bộ phận tiếp thị của Ban tổ chức, chịu trách nhiệm lựa chọn các nhà tài trợ cho Thế vận hội. Nhóm đặc biệt của Văn phòng Công tố viên quận Tokyo tin rằng, ông Takahashi đã có tác động đáng kể đối với bộ phận tiếp thị của ban tổ chức. Ông ta bị cáo buộc đã sử dụng vị trí của mình để ủng hộ Aoki. Cả hai ông Takahashi và Hironori Aoki đều phủ nhận cáo buộc hối lộ.

Được biết, một công ty tư vấn do ông Takahashi đứng đầu đã ký với hãng Aoki hợp đồng trị giá 1 triệu yên mỗi tháng vào tháng 9-2017. Nhà bán lẻ quần áo Aoki thông báo vào tháng 10-2018 rằng, họ đã ký hợp đồng tài trợ với Ban tổ chức Olympic. Hợp đồng cho phép Aoki sử dụng biểu tượng của các sự kiện cho mục đích kinh doanh và bán các sản phẩm được cấp phép chính thức. Aoki Holdings được thành lập vào năm 1958, có trụ sở chính tại Yokohama. Công ty hiện có khoảng 600 cửa hàng bán lẻ quần áo trên toàn quốc, đã được niêm yết trên thị trường hàng đầu của Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo vào năm 1991. Công ty đã bán được hơn 30.000 bộ quần áo và áo khoác có biểu tượng liên quan đến Olympic kể từ mùa hè năm 2019. Họ cũng cung cấp cho các vận động viên trang phục cho lễ khai mạc Thế vận hội Tokyo.

“Vết đen” của kỳ Olympic thành công

“Tôi rất lấy làm tiếc (khi biết tin này). Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình”, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike nói với các phóng viên hôm 17-8. Bà Koike cho biết, bà đã nghe từ Ban tổ chức rằng, các thủ tục hợp đồng đã được xử lý đúng quy trình. Ông Toshiaki Endo, Chủ tịch Hội đồng chung của Đảng Dân chủ Tự do, người trước đây từng là Bộ trưởng phụ trách Thế vận hội Tokyo, bày tỏ sự thất vọng về vụ việc, nói rằng nó “dội một gáo nước lạnh vào những nỗ lực của nhiều người đã làm việc không mệt mỏi để đảm bảo sự thành công của Thế vận hội”.

Cuối tháng trước, các công tố viên Tokyo đã đột kích nhà của ông Takahashi ở Tokyo và trụ sở của Công ty quảng cáo khổng lồ Dentsu ở phường Minato của Tokyo, cũng như nhà của ông Hironori Aoki. Ủy ban tổ chức Tokyo đã ngừng hoạt động vào tháng trước, nhưng vẫn duy trì sự hiện diện để giải quyết các tài sản và nợ phải trả.

Đây không phải là lần đầu tiên các câu hỏi được đưa ra về những cáo buộc sai phạm xung quanh Thế vận hội. Các công tố viên Pháp đã mở một cuộc điều tra về các cáo buộc tham nhũng liên quan đến việc Tokyo đăng cai Thế vận hội vào năm 2016. Cựu lãnh đạo Ủy ban Olympic Nhật Bản, Tsunekazu Takeda, đã phải từ chức vào năm 2019 khi các nhà chức trách Pháp điều tra về mối liên quan trong các khoản thanh toán được thực hiện trước khi Tokyo được trao quyền đăng cai Thế vận hội năm 2020.