- Không quân Nga liên tiếp nhận máy bay chiến đấu Su-35 mới
- Khí đốt Nga quay lại châu Âu với sự giúp sức của Mỹ
Lóe lên ánh sáng cuối đường hầm xung đột
Thế giới những ngày qua đang ngóng trông về một tia hy vọng mới, như một ánh sáng vừa lóe lên cuối đường hầm cuộc xung đột quân sự quy mô lớn kéo dài hơn 3 năm qua giữa Nga và Ukraine - đó là tín hiệu về cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine, thậm chí có thể là cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Đây có thể là cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên giữa hai nước kể từ đàm phán chấm dứt không lâu sau khi chiến sự bùng nổ vào tháng 2-2022, mở ra hy vọng mới cho một lộ trình hòa bình đang vô cùng cần thiết và cấp bách để giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine.
![]() |
Tín hiệu về một cuộc gặp được phát đi mới đây từ Điện Kremli khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11-5 bất ngờ đề xuất khởi động đàm phán trực tiếp với Ukraine tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15-5. Đáng chú ý, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định, sẵn sàng tham gia mà không kèm bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Đây là động thái hiếm hoi từ phía Nga kể từ sau giai đoạn đàm phán bị đình trệ vào đầu năm 2022, và càng đáng chú ý hơn khi ông nhấn mạnh mục tiêu là “giải quyết tận gốc xung đột” chứ không chỉ đơn thuần nhằm “tái vũ trang trong thời gian ngừng bắn”.
Ngay sau lời đề nghị này, Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng khẳng định, ông sẵn sàng tham gia đàm phán. Tuy nhiên, khác với người đồng cấp Nga, ông Volodymyr Zelensky có kèm theo điều kiện là một lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày phải được thiết lập trước. Đây là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo cao nhất của Nga và Ukraine cùng tuyên bố sẵn sàng đàm phán trực tiếp với nhau để tìm giải pháp cho xung đột kéo dài hơn 3 năm, trong đó nêu rõ địa điểm và thời gian cụ thể tiến hành gặp gỡ đàm phán, khiến triển vọng cuộc đàm phán được thế giới mong chờ này trở nên hiện thực hơn bao giờ hết. Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, tại Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự quy mô lớn giữa hai nước đã bước sang năm thứ 4 với những tổn thất nặng nề cho cả hai phía, đồng thời tác động tiêu cực tới tình hình thế giới.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine từ năm 2022 đến nay không chỉ là cuộc chiến kéo dài nhất ở châu Âu kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 mà còn là một trong những cuộc chiến gây thiệt hại nghiêm trọng nhất về nhân mạng, kinh tế và xã hội trong 80 năm qua tại cựu lục địa. Theo các ước tính từ Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, đã có hàng trăm nghìn người thiệt mạng và bị thương ở cả hai phía, trong đó có rất nhiều dân thường. Hàng triệu người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa, tạo nên một trong những làn sóng di cư lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2.
Về phía Nga, tổn thất về sinh mạng và kinh tế cũng rất lớn. Dù Mátxcơva không công bố số liệu chính thức, nhưng nhiều nguồn quốc tế ước tính có hàng trăm nghìn binh sĩ Nga thương vong, cộng thêm chi phí quân sự rất lớn khiến nền kinh tế Nga bị đặt trong tình trạng căng thẳng liên tục. Các lệnh trừng phạt từ phương Tây khiến Nga bị loại khỏi nhiều thị trường tài chính quốc tế, đồng rúp mất giá mạnh và các ngành công nghiệp chủ lực như năng lượng, hàng không, công nghệ bị đình trệ nghiêm trọng.
Không dừng lại ở hai quốc gia, cuộc xung đột cũng kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng đối với kinh tế thế giới. Thị trường năng lượng toàn cầu bị chao đảo khi Nga - nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt lớn - bị cắt khỏi thị trường châu Âu, khiến giá năng lượng tăng vọt. Giá lương thực toàn cầu cũng leo thang do Ukraine - một trong những “vựa lúa mì” lớn nhất thế giới.
Cùng chung tay mở cánh cửa đàm phán hòa bình
Thực tế cuộc chiến giằng co, khốc liệt hơn 3 năm qua giữa Nga và Ukraine cho thấy, khó có bên nào có thể giành chiến thắng áp đảo trên chiến trường. Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vì thế không thể giải quyết được bằng biện pháp quân sự mà cần giải pháp hòa bình thông qua thương lượng.
Chính quyền Mỹ từ khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền đã đặt ưu tiên giải quyết cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, thúc ép hai bên ngừng bắn đàm phán tìm kiếm giải pháp hòa bình. Tín hiệu rõ ràng về một cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể là bước đi đầu tiên trên con đường dài với nhiều chông gai, trở ngại tới một giải pháp lâu dài bền vững cho cuộc xung đột.
Có thể nói, hiện lập trường của hai bên Nga và Ukraine về giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột quân sự còn cách nhau quá xa. Lập trường của Nga, được đích thân Tổng thống Tổng thống Vladimir Putin khẳng định nhiều lần, đó là Ukraine phải từ bỏ ý định gia nhập liên minh quân sự NATO - điều mà Nga cho là nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột; rút toàn bộ lực lượng khỏi 4 vùng lãnh thổ (Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia, Kherson) mà Nga tuyên bố sáp nhập. Nga cũng đề xuất Mỹ công nhận quyền kiểm soát của Mátxcơva đối với các vùng lãnh thổ trước đây thuộc Ukraine nhưng nay đã sáp nhập vào Nga; đồng thời yêu cầu Kiev giữ thái độ trung lập, mặc dù Nga không phản đối Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Tổng thống Nga cũng nhắc lại dự thảo thỏa thuận đạt được không lâu sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt hồi đầu năm 2022. Theo nội dung bản dự thảo, Ukraine sẽ cam kết giữ vị thế trung lập vĩnh viễn để đổi lấy các đảm bảo an ninh quốc tế từ 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ. Trong khi đó, về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố bất kỳ giải pháp hòa bình để chấm dứt xung đột quân sự nào cũng tôn trọng lãnh thổ, chủ quyền của Ukraine. Ông khẳng định, chỉ có người dân Ukraine mới quyết định về vấn đề lãnh thổ và tương lai đất nước mình.
Lập trường còn quá khác biệt hiện chính là rào cản khó vượt qua để hai bên Nga và Ukraine có thể ngồi lại tiến hành đàm phán tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột quân sự. Những thông tin mới nhất cho thấy, tín hiệu về một cuộc gặp trực tiếp giữa Nga và Ukraine vừa lóe lên đã mờ đi. Giới quan sát cho rằng, cuộc gặp giữa phái đoàn Nga và Ukraine có thể diễn ra vào ngày 15-5 tại Istanbul, song không mấy cho rằng sẽ diễn ra cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Volodymyr Zelensky. Điều này có thể thấy qua việc Tổng thống Donald Trump vẫn để ngỏ khả năng, chứ chưa khẳng định có tới Thổ Nhĩ Kỳ để tham dự các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine. Tuy nhiên, có thể thấy, dù còn những bất đồng và khác biệt rất lớn, song việc hai nhà lãnh đạo cao nhất của Nga và Ukraine tuyên bố sẵn sàng đàm phán trực tiếp đã thể hiện thiện chí đối thoại sau 3 năm xung đột khốc liệt và đó là một bước tiến đáng ghi nhận. Trong khi súng đạn chỉ đem lại thêm máu và nước mắt, thì đối thoại, dù vô vàn gian nan, mới có thể mở ra cánh cửa hòa bình.
Cộng đồng quốc tế đang dõi theo những động thái rất chú ý liên quan tới khả năng đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine, đặc biệt là đàm phán giữa trực tiếp giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Volodymyr
Zelensky. Cộng đồng quốc tế đang có những nỗ lực nhằm ủng hộ và thúc đẩy các sáng kiến ngoại giao, tạo điều kiện cho các bên mở ra cánh cửa đàm phán hòa bình vừa hé mở, tránh để cơ hội lần này trôi qua một cách đáng tiếc. Bởi cuộc đàm phán trực tiếp Nga - Ukraine tại Istanbul nếu diễn ra sẽ là bước ngoặt quan trọng trong tiến trình chấm dứt cuộc chiến đã kéo dài hơn 3 năm với những hậu quả nặng nề không chỉ với các bên tham chiến trực tiếp mà với cả châu Âu cũng như thế giới.